1. Thầy trò ông Nguyễn Hữu Thắng đã làm tốt công việc của mình, đó là lấy lại niềm tin ở người hâm mộ bằng chiếc cúp nức lòng trên đất Myanmar, qua đó cũng cho thấy chất lượng của cầu thủ Việt không đáng bị chê trách nhiều như thời gian vừa qua, đặc biệt là lứa cựu binh.
Ví dụ như trường hợp của Lê Công Vinh, người vẫn “chạy tốt” ở tuổi 31 bất chấp việc suốt 2 năm qua, vai trò của anh trên tuyển có khi bị xem nhẹ, vị trí chính thức thường xuyên bị đe dọa. Tuy nhiên, cùng với những Thành Lương, Văn Quyết, Thành Trung… có thể nói chính phong độ tại V-League có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành sức mạnh cho tuyển quốc gia.
Vì vậy, trách nhiệm lại đang chuyển sang cho hệ thống thi đấu nội địa, vốn trải qua giai đoạn đầu không mấy yên ả.
2. Nếu không lầm, V-League 2016 là giải có cuộc đua vô địch thú vị nhất từ trước đến nay. Sự xuất hiện của Hải Phòng với một khoảng cách khá lớn trên ngôi đầu bảng, là sự kiện chưa có tiền lệ nếu chúng ta biết rằng, kỷ nguyên V-League gần như nằm trong sự thống trị của các CLB do doanh nghiệp sở hữu. Chính Hải Phòng đã tạo nên sự khác biệt cho V-League và cũng chính đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng nhắc cho người ta nhớ rằng: Thành công trong bóng đá phải bắt đầu từ yếu tố chuyên môn.
Vô địch lượt đi, Hải Phòng đã tạo nên sự khác biệt cho V-League. Ảnh: Quang Minh
Hải Phòng có vô địch vào cuối mùa hay không thì chưa biết, nhưng có một điều chắc chắn: Bất kỳ đội nào đăng quang mùa này đều sẽ phá vở được những giới hạn trước đây. Ví dụ như số lượng 16 trận thắng kỷ lục của B.Bình Dương năm trước có thể bị vượt qua khi mà hiện Hải Phòng đã có 9 chiến thắng sau 11 trận trong khi giải vẫn còn đến 15 vòng nữa.
Chính cái ngưỡng ấy khiến cho bất kỳ đội nào muốn vượt qua Hải Phòng chắc chắn cũng phải thi đấu tốt hơn chính mình. Lấy ví dụ như FLC Thanh Hóa, nếu muốn vô địch, có lẽ phải toàn thắng 11 trận ở lượt về mới bảo đảm. Tương tự là Bình Dương hay HN T&T. Cái áp lực đó sẽ khiến chất lượng từng trận đấu tăng lên tư nay đến cuối giải và điều này, về lý thuyết chỉ có lợi cho đoàn quân của ông Nguyễn Hữu Thắng tại AFF Cup 2016.
3. Sau 4 năm “vật vã”, V-League dần đi vào quỹ đạo cần thiết, nơi mà tiếng nói của đồng tiền không còn lớn, thị trường chuyển nhượng chuyển từ lượng sang chất, đề cao yếu tố tập thể hơn cá nhân. Cho đến nay, cuộc đua vô địch vẫn đang để ngỏ cho 4-5 đội là tín hiệu đáng mừng về chất lượng của V-League.
Nói cách khác, đã đến lúc V-League phải chứng tỏ vai trò của mình chứ không thể đợi chờ những hiệu ứng như kiểu từ U.19. Việc các nhà tổ chức vẫn để giải diễn ra trong thời gian thi đấu Euro cũng là một cách làm dũng cảm. Một cuộc "đối đầu” thú vị giữa bóng đá ngoại và nội nhằm tìm ra câu trả lời: V-League còn sức sống hay không?
HỒ VIỆT