Thuận lợi ngắn hạn và những khó khăn
Ở thời điểm hiện tại, cơ hội dự VCK World Cup nữ rất gần với Việt Nam do việc mở rộng của giải với hơn 5 suất dành cho châu Á (Việt Nam đang xếp hạng 5 châu lục). Hơn nữa, các lợi ích tài chính của việc dự VCK World Cup ngày càng hấp dẫn, ngoài quyền lợi của cầu thủ, thì bản thân bóng đá Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các nguồn tài trợ do triển vọng dự World Cup thường xuyên. Cũng có thể hiểu là nếu có cách làm hợp lý, tiền cho bóng đá nữ sẽ không thiếu thốn.
Nhưng qua thành tích thi đấu tại VCK World Cup nữ 2023, khi Hàn Quốc bị loại còn Trung Quốc sa sút, các suất dự World Cup của châu Á có thể bị giảm bớt nếu như các nền bóng đá châu Phi, Nam Mỹ và châu Âu phát triển nhanh hơn. FIFA càng thúc đẩy quyền bình đẳng ở bóng đá nữ, sẽ có nhiều nền bóng đá trên thế giới hào hứng tranh vé dự VCK World Cup. Ví dụ, trong 16 đội vượt qua vòng bảng ở World Cup nữ 2023 có đến 3 đội châu Phi dù khu vực này hiện chỉ được phân bổ có 4 suất, có 8 đội châu Âu (dù được phân bổ 11 suất), còn châu Á nhận 6 suất nhưng chỉ Nhật Bản và nước chủ nhà Australia đủ sức vượt qua vòng bảng.
Sự phát triển như vũ bão của bóng đá nữ Hà Lan, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha cho thấy, với các quốc gia ở châu Âu, một khi họ thay đổi thì tốc độ phát triển sẽ cực kỳ nhanh nhờ yếu tố chuyên nghiệp có sẵn của nền bóng đá nói chung. Có thể hình dung: khi chúng ta vừa lên kế hoạch, họ đã tiến 2-3 bước. Khi chúng ta bước một bước thì họ đã đi thêm 5-6 bước nữa. World Cup 2023 đã chứng minh: các cường quốc từng làm mưa làm gió ở World Cup nữ như Brazil, Trung Quốc và Đức đều bị loại ngay ở vòng bảng, trong lúc đội số 1 thế giới là Mỹ suýt nữa trở thành... khán giả. Thế giới bóng đá thay đổi rất nhanh và câu hỏi đặt ra là bóng đá Việt Nam có tận dụng được giai đoạn vàng này hay không?
Không chỉ các thay đổi bên ngoài, ngay nội tại của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng có vấn đề. Đội hình dự VCK World Cup có khoảng cách lớn về thế hệ khi 10/23 tuyển thủ từ 29 tuổi trở lên, phần còn lại từ 22 tuổi trở xuống. Không có một cầu thủ nào nằm trong độ tuổi từ 24-27, vốn là tuổi “đẹp” nhất ở một đội tuyển.
Cần một mô hình chuẩn mực
Bất lợi về thể hình thường được cho là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam thất bại khi bước ra các sân chơi thế giới. Tuy nhiên, quan điểm đó có thể gây nhầm lẫn. Trong nhóm 5 đội có chiều cao trung bình thấp nhất World Cup nữ 2023 cùng với Việt Nam còn có Nhật Bản và Nam Phi, nhưng 2 đội bóng này đã vượt qua vòng bảng với các chiến thắng ấn tượng. Zambia là đội thấp nhất giải, cũng chỉ mới lần đầu dự World Cup và đã có chiến thắng trước Costa Rica.
Như vậy, yếu tố thể hình không quan trọng bằng sức bền, độ dày cơ thể, tranh chấp thông minh… Không như vấn đề chiều cao, những yếu tố sau đều có thể cải thiện nếu bóng đá nữ của Việt Nam chuyên nghiệp hơn, cạnh tranh hơn và có nhiều đội bóng hơn để tăng thời gian thi đấu cũng như số lượng cầu thủ.
Không thể đòi hỏi bóng đá nữ phát triển theo lộ trình của bóng đá nam, nên điều tiên quyết là lựa chọn mô hình chuẩn. Hiện bóng đá nữ Việt Nam vẫn là bán chuyên nghiệp, có bao cấp của địa phương và đây là mô hình bị đánh giá đã lỗi thời. Trong khi đó, mô hình của Nhật Bản hay Bồ Đào Nha sẽ phù hợp hơn. Ở 2 quốc gia này, các CLB bóng đá chuyên nghiệp của nam phải có trách nhiệm “nâng đỡ” cho bóng đá nữ bằng cách thành lập đội chuyên nghiệp tham gia vào giải vô địch quốc gia nữ. Ví dụ như tại Bồ Đào Nha, hiện 2 “ông lớn” Benfica và Sporting Lisbon đã có đội nữ và chơi bóng từ năm 2017. Chính nhờ 2 đội này mà giải nữ của họ nhận thêm tài trợ và bán được bản quyền truyền hình. Ở Nhật Bản, 7 trong số 18 CLB của giải J-League có đội nữ đá chuyên nghiệp.
Tính đến nay, đã 25 năm kể từ ngày giải vô địch quốc gia đầu tiên ra đời nhưng bóng đá nữ Việt Nam vẫn chưa có hệ thống phân cấp, thăng hạng - xuống hạng để tạo cạnh tranh. Khó có chuyện xuất hiện cùng lúc một số đội bóng đá nữ khác ở thời điểm hiện nay, phương án khả thi nhất vẫn là từ nền tảng của những đội bóng nam. Mô hình bóng đá - bóng bàn của Hà Nội T&T kết hợp với học viện đào tạo thể thao là một hướng gợi mở.