Hai đường song song

1. Có nhiều người thắc mắc: Tại sao rõ ràng là mùa giải 2016 vừa qua có quá nhiều sự số, từ trọng tài đến bạo lực, kể cả những nghi ngờ về tính trung thực của một số trận đấu, ngay chức vô địch của HN T&T cũng gây nhiều tranh cãi thì tại sao công ty VPF vẫn tự tin kết luận mùa giải đã kết thúc thành công?

Để hiểu cho rõ, hãy lấy ví dụ: Một đội bóng xuống hạng không có nghĩa là đội bóng đó yếu toàn diện. Họ có thể xuống hạng về chuyên môn vì lực lượng không tốt, sai lầm trong chỉ đạo chiến thuật nhưng chưa hẳn họ đã kém trong việc phát triển đội bóng hoặc tính chuyên nghiệp trong điều hành. Như trường hợp của Long An, đội phải đá play-off mới giành quyền ở lại V-League nhưng khó mà nói rằng đấy là đội bóng thất bại nếu nhìn ở góc độ tổ chức CLB.

Công ty VPF đã nỗ lực rất lớn trong việc điều hành giải mùa bóng năm nay. Ảnh: Hoàng Hùng

Với công ty VPF cũng thế. Nói như Tổng giám đốc Cao Văn Chóng thì những nhà tài trợ của giải không nhìn vào hiện tượng để đánh giá mà tùy vào cách giải quyết các sự cố của những nhà tổ chức. Các thông số của V-League 2016 đều ở mức khả quan. Lượng khán giả có sụt giảm nhưng không tệ so với mùa trước. Số lượng những trận đấu quan trọng tăng nhờ số đội có khả năng cạnh tranh chức vô địch nhiều hơn. Cuối cùng, màn rượt đuổi ở các vòng đấu cuối là đặc biệt nhất trong lịch sử V-League.

2. Nhà tổ chức có quyền hài lòng với công việc của mình nhưng khách quan mà nói, mùa bóng 2016 chắc chắn không phải là bức tranh màu hồng. Đó là những điều mà dư luận đã nói đến suốt thời gian diễn ra giải đấu. Chính vì vậy, khi phía công ty VPF cho rằng họ là làm tốt công việc của mình thì chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy có một sự liên hệ không hề gắn kết giữa một đơn vị tổ chức và đơn vị quản lý bóng đá Việt Nam (VFF).

Đơn cử như những nghi ngờ về chức vô địch của HN T&T. Để kiểm tra mối quan hệ giữa các đội bóng “nhà bầu Hiển” thì phải là VFF chứ không phải là VPF. Các CLB là thành viên của VFF, nơi duy nhất đủ thẩm quyền kiểm tra, giám sát, xử phạt. Ấy vậy nhưng khi dư luận thắc mắc về điều này thì VFF lại nín thinh.

Kế đến, công tác trọng tài do VFF điều hành chứ đâu phải VPF mặc dù công ty này đã cố “cài” ông Trưởng ban trọng tài làm Phó BTC. Về nguyên tắc, trọng tài phải độc lập với đơn vị tổ chức, thế nên địa chỉ phàn nàn về chất lượng trọng tài phải là VFF. Việc mà VPF có thể cải thiện được công tác trọng tài đó là… thuê trọng tài ngoại.

Không khen BTC và công ty VPF nhưng rõ ràng, với nhiều sự cố cả về chuyên môn lẫn đạo đức sân cỏ nhưng V-League 2016 vẫn đi đến nơi, về đến chốn, nhà tài trợ không phàn nàn… đã là nỗ lực của công ty VPF. Nhưng, sự tồn tại của 2 đường song song trong cùng một mùa giải chẳng thể xem là sự tiến bộ của một nền bóng đá.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục