Gốc & rễ

Gốc & rễ

Rất nhiều người trong chúng ta buộc phải đồng ý với nhau rằng, nhận xét “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” của HLV Alfred Riedl đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tất nhiên, từ khi ông Riedl nói câu ấy cho đến nay, bóng đá Việt Nam cũng có những tiến bộ đáng ghi nhận. Nói cách khác, phần nào đó cũng đã nỗ lực vun xới cho phần “gốc” của mình. Nhưng…

Phải đến mùa giải sau thì các quy định về “CLB phải có 3 tuyến trẻ” mới được áp dụng. Như vậy, chúng ta đã mất hơn 10 năm “mò mẫm” bây giờ mới chịu quay lại từ đầu, chăm lo cho phần “gốc” của mình. Không phải ít người biết rằng, chỉ có đào tạo trẻ thì mới làm bóng đá chuyên nghiệp lâu dài được, nhưng vấn đề là trước sức ép của việc “mua - bán” CLB rầm rộ, chẳng mấy ai đủ tỉnh táo và kiên nhẫn để đào sâu, vun xới phần “rễ” của cái “gốc” ấy.

Ngay cả các đia phương vốn có tiếng về bóng đá trẻ như Nam Định, Bình Định hay Đồng Tháp giờ cũng tiêu điều hệ thống phía sau này. Một đội khác là Khánh Hòa mùa này dùng đến 70% là cầu thủ ngoài địa phương trước sức ép thành tích ở đội 1. Nói cách khác, chúng ta quen kiểu hô hào “đào tạo trẻ” nhưng lại buông lỏng các chế tài ở tuyến đỉnh cao nên các nơi có truyền thống cũng chẳng còn lòng tin để làm cho bài bản.

Phải có cái “gốc” là bóng đá trẻ thế này, mới mong bóng đá Việt Nam vươn lên được. Ảnh: Dũng Phương

Phải có cái “gốc” là bóng đá trẻ thế này, mới mong bóng đá Việt Nam vươn lên được. Ảnh: Dũng Phương

o 0 o

Hệ quả giờ thấy ngay: Khi lượng tiền từ doanh nghiệp rót vào các đội lớn ngày càng ít đi thì tự nhiên mọi thứ trở nên hụt hẫng. Giả sử (chỉ là giả sử) nếu 5-7 năm trước, các chế tài về bóng đá trẻ được làm mạnh hơn, yêu cầu phải có cầu thủ địa phương nơi các đội lớn quyết liệt hơn thì bây giờ đâu đến nỗi thiếu tiền là không còn gì cả. Cứ xem SLNA đó, họ cũng tốn tiền mua ngoại binh, nhưng nếu như không có đủ tiền để đua tranh trên thị trường chuyển nhượng, thì chí ít họ vẫn giữ được vị trí của mình trong làng cầu.

Không có hệ thống từ phía sau, tiền cũng chẳng còn nhiều thì tự nhiên các CLB phải tự hạ thấp năng lực của mình. Rất nhiều đội bóng hiện nay chấp nhận duy trì đội bóng theo kiểu tồn tại chờ qua thời buổi khó khăn này. Chúng ta thử tưởng tượng một giải V-League mà các đội đều cùng mục tiêu trụ hạng như nhau thì còn gì là chất lượng nữa!

o 0 o

Vậy mà vẫn chưa hết khó khăn. Các ông bầu tại VPF đưa ra quy định về “CLB 3 tuyến” cho mùa sau, nhưng lại không thấy khởi động kế hoạch thi đấu gì đặc biệt cho các tuyến sau đó cả. Nói cách khác, không thể có cái “gốc” thật ngon lành nếu không chuẩn bị điều kiện để “rễ” bám vào một cách chắc chắn. Không ai đổ tiền cho đào tạo trẻ (nhất là với các doanh nghiệp đang làm bóng đá ngắn hạn) nếu như họ không thấy cái lợi trước mắt cho những tuyến trẻ. Việc hình thành các giải đấu có tính cạnh tranh cao cho các tuyến sau không thể cứ để mỗi mình VFF gánh vác. Nhất thiết VPF với năng lực thu hút tài chính của mình cũng phải “xắn tay” vào chứ không thể đưa ra qui định chung chung đó rồi thôi.

Bởi như đã nói ở trên, ai mà chẳng biết đào tạo trẻ sẽ có lợi, nhưng thực tế đâu phải ai cũng kiên nhẫn cho việc này một khi các áp lực thành tích, thương hiệu tại đội lớn cứ ngày một tăng.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục