Những người bạn lớn
Lê Huỳnh Đức là người đầu tiên nhận giải thưởng QBV Việt Nam, năm 1995, tức là đã cách đây 25 mùa tổ chức. Vậy mà lần nào gửi thư mời đến anh, thì gần như chúng tôi “phải” nhận một lời trách móc: “Thư từ làm gì, chỉ cần Báo SGGP điện thoại một tiếng, tôi sẽ có mặt”. Thật vậy, hầu như chưa lần nào mà người từng 3 lần được vinh danh ấy vắng mặt ở các buổi trao giải. Mà không chỉ thế, anh còn xung phong nhận làm người xướng tên các giải thưởng.
Mỗi lần lên sân khấu, anh phát biểu hài hước, tạo không khí thân thiện với nhiều tiếng cười, đôi khi còn lấn át cả MC chuyên nghiệp trên sân khấu. Với nhiều thành viên của BTC giải, Lê Huỳnh Đức giống như người nhà. Những kỷ vật mà anh từng được nhận, anh chỉ giữ lại QBV của lần đầu tiên. “Đấy là kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời. Tôi giữ nó cũng là để nhắc mình phải có trách nhiệm với giải thưởng”, Huỳnh Đức nói.
Chuyện những người từng đoạt giải đến tham dự các kỳ giải sau không phải là điều gì quá đặc biệt ở các giải thưởng. Nhưng với bóng đá, đấy là một thời điểm rất có ý nghĩa. Đa số cầu thủ từng được vinh danh đều chuyển sang công tác huấn luyện sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu. Từ chỗ đối đầu trên sân, họ thành đối thủ ở bên ngoài đường biên. Mùa giải nào cũng gặp nhau, quen quá. Công việc cũng bận, từ chối cũng chẳng vấn đề gì. Thế nhưng, cứ gởi thư mời thì họ đều thu xếp để về TPHCM tham dự.
Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, người 2 lần đoạt QBV vào các năm 1998 và 2000, từng nói: “Chúng tôi đến đây vừa để gặp nhau với tư cách của những người bạn, vừa để được sống lại không khí của ngày xưa, mà vừa cảm thấy mình là một phần trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam”.
Bóng đá là câu chuyện của một dòng sông. Chảy mãi về xuôi mà không thể ngược dòng. Không như một số lĩnh vực khác, cuộc đời làm cầu thủ rất ngắn. Thế hệ này chưa kịp khép lại vinh quang, thì có thể đã được tiếp nối bởi thế hệ khác. Nếu không thể đạt đến danh hiệu QBV khi còn ở đỉnh cao, thì mãi mãi họ không thể bước lên bục vinh quang một lần nào khác.
Những người như Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Hồng Sơn, tuổi cũng đã gần 50, vinh quang cũng nhiều, nhưng những khoảnh khắc mang ý nghĩa cá nhân hoàn toàn dành riêng cho họ, có lẽ chỉ ở những đêm trao giải QBV. Đấy là lý do mà họ muốn có mặt, để được “nhìn thấy mình” một lần nữa thông qua thế hệ đàn em, những người đã cùng vị trí, chơi cùng thứ bóng đá và mang cùng cảm xúc như họ vài mươi năm trước.
Cảm giác ấy từng được Phạm Thành Lương, người đang giữ kỷ lục 4 lần được bầu chọn QBV, trải lòng ở lần trao giải 2016: “Dù đây là lần nhận giải thứ 4, nhưng hạnh phúc của tôi còn hơn cả lần đầu tiên. Đời cầu thủ mỗi lúc một già đi, dễ bị thay thế, nên vẫn còn được bầu chọn nghĩa là nỗ lực của mình vẫn còn ý nghĩa và khiến mình giữ được đam mê với bóng đá”.
Gắng sức cho đêm tôn vinh tài năng
Mà không chỉ có những người từng được vinh danh. Khi BTC mời Trần Minh Chiến hay Hoàng Anh Tuấn, các danh thủ một thời nhưng chưa từng có mặt trong tốp 3 giải thưởng QBV, họ vẫn có mặt và xuất hiện trên sân khấu để được kể về điều tiếc nuối lớn nhất khi còn thi đấu. Không hề có nỗi buồn nào, chỉ có những lời động viên và chia sẻ chân thành, chung vui với “đàn em” của mình.
Nên ở góc độ của nhà tổ chức, Báo SGGP xem sự có mặt của các cựu QBV là một nguồn “tiếp lửa”. Có những năm, bóng đá Việt Nam thi đấu không tốt, những gương mặt của một thời oanh liệt xuất hiện ở đêm Gala sẽ làm sống lại hồi ức của những khoảnh khắc oanh liệt trong quá khứ, qua đó cũng khiến cho giới mộ điệu mà những cầu thủ được vinh danh đương thời có trách nhiệm hơn trong việc thổi lửa đam mê cho thế hệ hiện tại.
Còn ở những năm bóng đá thành công, thì Gala trao giải như một đêm hội tụ của tinh hoa, kể câu chuyện của quá khứ và tương lai, gieo thêm niềm tin cho người hâm mộ về những chiến công khác của bóng đá nước nhà.
Nói cho cùng, bóng đá được nuôi dưỡng bằng niềm đam mê. Từ một cậu bé ở quê nghèo đá bóng chân đất, đến một HLV tóc đã phai màu, thì cuộc sống của họ vẫn vòng quanh quả bóng.
Có người xem đêm vinh danh ấy qua những thước phim, như nguồn cảm hứng để phấn đấu hơn trong tập luyện, có người sẵn lòng vượt đường xa đến để ngồi trong khán phòng, sống lại hồi ức và giữ ngọn lửa trong tim để tiếp tục truyền lửa cho cầu thủ trên sân trong vai trò mới. Và từ đó, dòng sông mang con thuyền bóng đá Việt Nam vẫn chảy mạnh ra biển lớn.