Tuy vậy, cũng nên đặt một câu hỏi: Chúng ta sẽ giữ chân được nhà cầm quân người Hàn Quốc được bao lâu? Thoạt tiên, đó là câu hỏi rất khó ở thời điểm này. Ngay cả việc HLV Park Hang-seo có tái ký hay không còn chưa chắc chắn, thì làm sao biết sẽ ký trong bao lâu. Hơn nữa, chuyện ký dài hay ký ngắn còn tùy vào bản thân của thầy Park. Nhưng thực ra, câu trả lời không có gì quá khó. Nó tùy thuộc hoàn toàn vào năng lực của bóng đá Việt Nam chứ không phải là chuyện tiền lương hay tình cảm của HLV trưởng.
Một trong những lý do quan trọng để chúng ta muốn giữ chân cho bằng được HLV Park Hang-seo, đó là vì chúng ta thấy được khả năng phát triển còn tốt hơn của các đội tuyển quốc gia và U.23 hiện nay. Nếu lực lượng kém, thành tích vừa qua chỉ là may mắn, thiếu những tuyến trẻ có chất lượng, thì rất khó để tự tin bỏ ra một số tiền kỷ lục mà tái ký. Bản thân thầy Park cũng vậy thôi. Ông có đòi hỏi cao hơn, có gắn bó lâu dài hơn cũng vì nhìn thấy những cơ hội tạo dựng tên tuổi ở phía trước. Nếu thực lực của bóng đá Việt Nam không có thì một nhà cầm quân đã 60 tuổi như ông Park cũng khó mà mạo hiểm ở lại quá lâu, thay vì chia tay trên đỉnh cao, tìm đến bến đỗ có ưu đãi tốt hơn.
Và đấy là bản chất của vấn đề. Trên bình diện quốc tế, làm HLV trưởng của các đội tuyển quốc gia thường không phải là công việc có tính chất ổn định kéo dài, do lệ thuộc nhiều vào thành tích ở các giải đấu cụ thể mà đội tuyển đó tham dự. Hơn nữa, HLV trưởng đội tuyển chịu sự lệ thuộc lớn vào các CLB, nơi cung cấp cầu thủ. Đội tuyển quốc gia có sự kiên trì nhiều nhất với HLV trưởng đó là “cỗ xe tăng” Đức. Từ năm 2000 đến nay, họ chỉ mới có 3 HLV trưởng và cũng chỉ 10 người cho gần 100 năm đã qua. Người Đức làm việc với tính khoa học rất cao nên công việc của HLV trưởng gắn liền với cả một chiến lược phát triển tổng thể của nền bóng đá, chứ không đơn thuần chỉ là “người làm thuê” theo thời vụ.
Bóng đá Việt Nam hiện đang có giám đốc kỹ thuật là chuyên gia người Đức, ông Gede. Cộng với sự mát tay với dàn cầu thủ trẻ và tài năng của HLV Park Hang-seo, chúng ta hoàn toàn có thể học tập cách làm bóng đá của Đức. Một trong những lợi thế lớn của bóng đá Việt Nam đó là sự đam mê của người dân, giải V-League thì vẫn nằm trong vòng tay quản lý của liên đoàn bóng đá chứ không hoạt động theo kiểu độc lập. Nếu có một chiến lược dài hơi, bắt đầu từ hệ thống đào tạo trẻ cho đến các ràng buộc về sử dụng cầu thủ của các CLB, thì chúng ta sẽ có một nền tảng đầy tiềm năng để thuyết phục những HLV như thầy Park gắn bó lâu dài.
Nói gì thì nói, dù tiền lương có thể không bằng chỗ này chỗ nọ nhưng với một chiến lược có tính tham vọng, có sự đồng lòng lớn của các doanh nghiệp cũng như người hâm mộ thì một HLV được trọng vọng như thầy Park cũng sẽ nhận được các lợi ích mà ông không thể tìm thấy ở đâu, bao gồm cả vật chất lẫn vinh dự. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ chăm chăm giữ HLV Park Hang-seo cho các mục tiêu vòng loại World Cup hay “giấc mơ vàng” SEA Games mà không có những kế hoạch cụ thể thì chưa chắc đã giữ được HLV này một thời gian ngắn nữa, cho dù ông đồng ý gia hạn hợp đồng với mức lương “khủng”.