Làng thể thao, nhất là thể thao Đà Nẵng sau nỗi buồn trước thông tin SVĐ Chi Lăng sẽ không còn tồn tại để chuyển đổi mục đích sử dụng thì bây giờ lại có niềm vui. SVĐ Chi Lăng chưa bị cho vào “dĩ vãng” mà vừa được UBND thành phố Đà Nẵng thông báo giữ lại phục vụ các hoạt động TDTT…
Giá trị lịch sử
Xét trên cả nước của 63 tỉnh, thành, không phải tất cả các nơi đều có SVĐ phục vụ thể thao. Mặt nữa, với những địa phương có SVĐ thì chưa chắc sân đó thuộc diện nổi tiếng. Để tạo dựng được một “thương hiệu” – đúng ở nghĩa đen – với cái tên không dễ. Đơn cử, nhắc tới thể thao TPHCM là người hâm mộ sẽ nói về SVĐ Thống Nhất, hỏi về thể thao Hà Nội thì không ai không biết SVĐ Hàng Đẫy.
Không đơn thuần chỉ là tên SVĐ mà gần như nó đã trở thành một địa danh tồn tại theo nhiều năm tháng. Cũng có thể kể tới một số SVĐ nổi danh khác như Lạch Tray (Hải Phòng), Chi Lăng (Đà Nẵng) hay Chùa Cuối (Nam Định, sau khi được xây dựng lại đã đổi tên thành Thiên Trường)… Từng SVĐ ấy là từng kỷ niệm đầy ắp với những người hâm mộ, người làm thể thao cũng như với các HLV, VĐV đã được tập luyện, trưởng thành tại những địa phương ấy.
SVĐ Chi Lăng vừa được UBND thành phố Đà Nẵng thông báo giữ lại phục vụ các hoạt động TDTT. Ảnh: Phi Hải
Trở lại với câu chuyện của SVĐ Chi Lăng, năm 2011, số phận của nó tưởng chừng đã được định đoạt khi UBND thành phố Đà Nẵng đã giao khu đất này cho Tập đoàn Thiên Thanh. Giờ, số phận của sân Chi Lăng mới cụ thể hơn đó là nó sẽ tạm chưa bị đập bỏ mà tiếp tục sử dụng. UBND vẫn quản lý chứ không phải doanh nghiệp.
Được biết, SVĐ được tạm giữ lại có thể chỉ trong 5 năm (khoảng chờ tới khi Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân – Đà Nẵng hoàn tất). Nhưng gì thì gì, không phá bỏ một trong những biểu tượng thể thao của xứ Đà thành, đó là niềm vui với người hâm mộ thể thao nơi đây. Dù có thể, thời gian kéo dài chẳng tày gang.
Sân vận động đa năng
SVĐ tại nhiều địa phương không đơn thuần chỉ phục vụ riêng cho bóng đá. VĐV của nhiều môn thể thao khác cũng là người được tập luyện trong SVĐ ấy. Điển hình, SVĐ Thống Nhất là điểm tập luyện rất dày đặc của các VĐV thuộc đội điền kinh thành phố. Chưa kể, tại đây cũng có những phòng tập tạ, thể lực để VĐV tập duy trì. Đầu năm 2015, thể thao Hải Phòng đã tá hỏa khi nhất loạt các HLV, VĐV hơn 20 bộ môn phản đối trước việc phải trèo rào mới vào được sân Lạch Tray để tập luyện.
Câu chuyện vỡ lẽ khi công ty quản lý đội bóng đá – đơn vị được giao quản lý sân Lạch Tray – khóa cửa không cho VĐV vào tập. Trên thực tế, đó là tài sản của nhà nước, phải do ngành thể thao Hải Phòng quản lý. Và, nếu không tập ở sân, VĐV cũng khó tìm được nơi tập luyện nào khác. Sân Thiên Trường là điểm chính khai mạc, bế mạc Đại hội TDTT toàn quốc 7-2014 mới đây. Tuy vậy, trong ký ức của người dân Nam Định, sân mới có thể đẹp, hiện đại nhưng để thấy lại được dòng người ùn ùn vào cửa tranh nhau chỗ ngồi trên khán đài thì chỉ có Chùa Cuối (cũ) mới được điều ấy.
Hàng Đẫy bây giờ thưa dần các đội thể thao của Hà Nội tập luyện kể từ khi các bộ môn được chuyển hẳn lên khu đào tạo VĐV cấp cao tại Mỹ Đình. Tuy nhiên, khi cần, VĐV điền kinh của Hà Nội vẫn tập đều đặn tại đây. Sân Hàng Đẫy có thể vắng vẻ nhưng chưa một lần giới thể thao Hà Nội muốn rời xa nó.
Từng có ý kiến cho rằng phải bỏ đi sân Hàng Đẫy trong quá trình phát triển đô thị. Thế nhưng, cũng như sân Chi Lăng, bỏ đi một biểu tượng là không dễ. Theo lịch sử, SVĐ Hàng Đẫy được khánh thành năm 1958 và đây cũng là nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc Đại hội TDTT toàn quốc lần đầu tiên (năm 1985).
NGUYỄN ĐÌNH