Năm đoàn quốc tế tham dự, nhưng chỉ có vài cái tên đến từ Hàn Quốc, Thái Lan là đáng chú ý, nhưng thành tích đăng ký của họ cũng không quá nổi trội so với các VĐV Việt Nam. Vì vậy, rất khó trông mong vào chất lượng cao ở giải đấu mang tính truyền thống của TPHCM này, nhất là khi các tuyển thủ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tập nặng chuẩn bị cho đấu trường Asian Games 2010…
Châu Á công nhận, rồi sao nữa?
Thông tin đáng chú ý nhất mà giới truyền thông nhận được tại buổi họp báo vào chiều qua (15-7) chính là việc giải đấu này đã được Hiệp hội điền kinh châu Á (AAA) công nhận và đưa vào hệ thống thi đấu thường niên của khu vực. Sân chơi đã được nâng tầm về uy tín sau 16 lần diễn ra, âu cũng là điều đáng mừng, vì đáp ứng được 5 tiêu chí về chuyên môn và ngoài chuyên môn như chất lượng trọng tài điều hành, hệ thống CSVC, hệ thống xác định thành tích (đồng hồ điện tử), điều kiện ăn ở và đi lại, kinh phí tổ chức. Thế nhưng, sức hút của nó có mạnh mẽ ở tương lai hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Bởi AAA vẫn chưa công nhận giải này nằm trong hệ thống tính điểm quốc tế, không có giải thưởng vật chất cho các VĐV đoạt HCV, HCB hay HCĐ. Thường thì các VĐV quốc tế (và ngay cả trong nước) vẫn luôn hy vọng có những sân chơi vừa để đọ sức với các đối thủ hàng đầu khu vực lẫn châu lục, vừa có thể kiếm được số tiền thưởng kha khá.
Thực tế ấy có vẻ hơi “vật chất”, nhưng đấy lại chính là những động lực sát sườn với VĐV. Bởi chẳng ai muốn dự một giải đấu và đạt thành tích cao, nhưng lại về tay không cả. Đây có lẽ là điều mà BTC giải điền kinh quốc tế TPHCM nên tính toán để những lần tổ chức sau tạo được sức hút lớn hơn với các đoàn VĐV quốc tế.
Chỉ thi đấu cầm chừng
Không thể trách các tuyển thủ quốc gia một khi thành tích của họ tại giải điền kinh quốc tế TPHCM 2010 sẽ không cao, thậm chí là rất thấp. Bởi đây là thời điểm hầu hết VĐV thuộc các nhóm môn trọng tâm chuẩn bị cho Asian Games 2010 (cự ly ngắn, trung bình, nhảy, các môn phối hợp…) đang cật lực với các bài tập nặng về thể lực, nên rất khó trông mong họ sẽ tung ra hết sức để thi đấu ở một giải mang tính chất giao hữu là chính. Bởi vậy, khả năng các tuyển thủ quốc gia sẽ chỉ thi đấu cầm chừng là rất lớn. Thậm chí, một số VĐV bỏ cự ly sở trường để thi đấu nội dung khác, phù hợp với giai đoạn tăng cường sức mạnh hơn, như trường hợp của tuyển thủ Trương Thanh Hằng (dự 2 cự ly 5.000m và 10.000m, bỏ 800m và 1.500m).
Trong bản đăng ký thi đấu cho đoàn Quân đội, tuyển thủ Vũ Văn Huyện cũng chỉ dự các nội dung cá nhân như 110m rào, nhảy xa, nhảy sào, ném đĩa, tiếp sức 4x400m, thay vì thi đấu với đúng sở trường 10 môn phối hợp. Trong khi đó, tuyển thủ Nguyễn Đình Cương (800m và 1.500m nam) và Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ) vẫn chưa bình phục hoàn toàn chấn thương, nên càng không dám mạo hiểm tung hết sức ở giải. Theo HLV Nguyễn Đình Minh, đây là cơ hội chỉnh sửa kỹ thuật cho tổ chạy tiếp sức nữ (Vũ Thị Hương, Lê Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Thắm và Lê Thị Mộng Tuyền) trong nỗ lực đề xuất tham dự Asian Games 2010.
Bởi thế, có lẽ chỉ nên trông chờ vào các VĐV “ngoài ĐTQG” đến từ 36 tỉnh, thành, ngành trên cả nước, và tạm coi đây như một đợt tổng dợt cho các địa phương trong quá trình chuẩn bị dự tranh môn điền kinh tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 6 vào tháng 12 ở Đà Nẵng.
THANH LÂM
Giải điền kinh quốc tế TPHCM lần thứ 17-2010 diễn ra trong 3 ngày (từ 17 đến 19-7 tại SVĐ Thống Nhất), thu hút 322 VĐV của 5 đoàn quốc tế, đội tuyển Việt Nam và 36 tỉnh, thành, ngành trên cả nước dự tranh 43 nội dung thi đấu. Đội tuyển Việt Nam được thành lập tạm thời dự giải đấu này có 28 thành viên, trong đó có 19 VĐV trực thuộc 3 Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. T.L |