Sự việc có thể tóm tắt như sau, thủ môn Nguyễn Thành Thắng cũng như phần lớn CLB TPHCM bức xúc về quyết định phất cờ bắt lỗi quả phạt ở những giây bù giờ mà ngay sau đó, đội chủ nhà Thanh Hóa tìm được bàn gỡ hòa. Trong quá trình phản ứng, theo xác định của Ban kỷ luật LĐBĐ Việt Nam (VFF) thì thủ môn Thanh Thắng có hành vi xâm phạm thân thể của trọng tài nên nhận án phạt treo giò 3 trận.
Xét trên tính chất vụ việc, án phạt đó được xem là nhẹ đối với một hành vi bị FIFA nghiêm cấm. Cũng vì thế mà trọng tài Nguyên Thành mới tỏ ra bức xúc, quyết định ủy quyền cho luật sư để làm việc với công an Thanh Hóa (nơi diễn ra vụ việc), vì theo ông, đây là hành động tấn công thân thể, có hậu quả (cụ thể là một chiếc răng của ông bị lung lay, chảy máu). Như vậy, một hành vi trong bóng đá đã vượt qua ngoài kiểm soát của những người trong cuộc.
Chuyện đụng chạm đến 90% xảy ra, còn chửi thề, “chửi đểu” thì gần như 100% xuất hiện. Trọng tài Việt Nam cứ gặp các tình huống ấy, chủ yếu là… cứ đi lùi theo kiểu như chuẩn bị tư thế để… chạy. Hình ảnh đó rất phản cảm. FIFA cực kỳ quyết liệt với điều này. Nói đúng hơn, luật đã qui định, cầu thủ được phản ứng với trọng tài nhưng tuyệt đối không được chạm vào cơ thể của “Vua”. Án phạt nặng nhất của hành vi này, là treo giò vĩnh viễn, còn bình thường thì cũng cấm cả mùa giải.
FIFA quyết liệt như vậy bởi về lý thuyết, trọng tài là người… yếu nhất trên sân. Phản ứng mạnh nhất của họ, cũng chỉ là rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của cầu thủ. Nhưng nếu có chuyện, thì họ lãnh đủ. Thế nên, cho dù các đụng chạm cơ thể không khiến trọng tài bị đau, thì cầu thủ vẫn bị cấm động vào người trọng tài. Đằng này, theo trợ lý trọng tài Nguyên Thành, thì ông đã bị thương tổn. Phạt Thành Thắng như vậy, tức là chỉ ngang với một màn xúc phạm trọng tài bằng miệng.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân các trọng tài cũng là những người “dung dưỡng” cho các hành động thiếu kiềm chế của cầu thủ. Họ đã không thực thi trọn vẹn quyền lực của mình, không dám rút thẻ ở những tình huống phản ứng của cầu thủ, kể cả khi họ xông vào mình với thái độ hằn học. Khi trọng tài không nghiêm, thì cầu thủ cũng sẽ mất đi sự “vị nể”, thậm chí còn nghĩ rằng trọng tài “có tật giật mình” nên mới không dám rút thẻ.
Thế nên, để “giải cứu Vua” thì cách tốt nhất là phải làm đúng mọi thứ, từ cầu thủ đến người quản lý trọng tài. Tất nhiên, trọng tài chính là người phải có trách nhiệm … giải cứu mình.