Hà Nội T&T 1 đang sở hữu tay vợt nổi bật là Nguyễn Anh Tú nên có ưu thế đáng kể, đã thắng nam Quân đội 1 (có Đinh Quang Linh, Dương Văn Nam, Lê Tiến Đạt) 3-1 để đoạt chức vô địch. Trong khi đó, nữ Petrosetco TPHCM sở hữu tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang vẫn thể hiện phong độ vượt trội nên đã giành thắng lợi 3-0 trước nữ TPHCM ở chung kết đồng đội nữ là điều không bất ngờ.
Nhìn vào thực tế, 2 đơn vị Hà Nội T&T và Petrosetco TPHCM là đại diện tiêu biểu nhất ở công tác kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào bóng bàn, mặc dù điểm mạnh của họ vẫn phải dựa vào những con người của nhà nước như Nguyễn Anh Tú, Trần Tuấn Quỳnh (thuộc Sở VH-TT Hà Nội), Mai Hoàng Mỹ Trang (thuộc Sở VH-TT TPHCM). Còn với các địa phương có doanh nghiệp đồng hành thì sự đầu tư được san sẻ và như vậy, VĐV được tạo điều kiện tốt nhất để rèn luyện, thi đấu.
Trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT, ông Phan Anh Tuấn, đã chia sẻ: “Chúng tôi luôn chờ đợi các nguồn lực xã hội hóa. Từng CLB, đơn vị có doanh nghiệp đầu tư để làm tăng hiệu quả chuyên môn thì rất tốt”. Điều đáng suy ngẫm là trong khi hoạt động của bóng bàn nghiệp dư luôn được nhiều mạnh thường quân sẵn lòng dốc tiền đầu tư làm giải, nhưng ở bóng bàn đỉnh cao thuộc cấp độ hệ thống thi đấu quốc gia, công tác tìm nguồn tài trợ vẫn còn hạn chế. Vì thế, từng địa phương có được doanh nghiệp chấp nhận bỏ chi phí đầu tư cho bóng bàn như Hà Nội và TPHCM lúc này chưa nhiều.
Năm ngoái, nam Hà Nội T&T 1 vô địch nội dung đồng đội và tiếp tục bảo vệ thành công chiếc HCV tại giải năm nay. Tương tự là đội nữ Petrosetco TPHCM. Trong nội dung đồng đội năm nay, giới chuyên môn đã đánh giá cao nỗ lực của nhiều VĐV trẻ qua việc 2 đội nam Quân đội 2 và nữ TPHCM đã lọt vào bán kết.