Các CĐV Nam Định hôm ấy đa số vẫn là người thành Nam vào mưu sinh, lập nghiệp ở TPHCM. Nhưng cũng có rất nhiều CĐV đi xe lửa từ ngoài Bắc vào để ủng hộ đội nhà. Một CĐV năm nay đã gần 70 tuổi, một mình cùng chiếc ba lô nhỏ đựng vài bộ đồ, cho biết ông đi - về hết 3 ngày; tiền tàu, tiền vé hết vài triệu đồng. Vừa đi xem bóng đá, vừa kết hợp ghé thăm người thân nên cũng không quá tốn kém. Chỉ tiếc là đội bóng của ông để thua 0-3 trong trận đấu mà họ chiếm nhiều ưu thế. Buồn quá, ông cứ mặc nguyên bộ đồ thi đấu bóng đá của đội nhà trên người rời sân lên tàu về quê.
Nam Định chỉ mới lên chơi V-League được 3 mùa giải sau hơn 7 năm lận đận, có lúc rơi xuống tận giải hạng nhì. Họ vẫn chỉ là một đội bóng “nhà nghèo”. Năm đầu tiên thăng hạng đã phải đá play-off, may mắn lắm mới trụ hạng thành công. Sau đó, vì thiếu tiền, suýt phải giải tán, nhưng cũng vẫn kéo được đến mùa thứ ba, hiện vẫn đang trong tiến trình trụ hạng. Hoàn cảnh là thế nhưng sân Thiên Trường ở Nam Định là nơi có lượng khán giả đông nhất V-League 3 mùa liên tiếp, trung bình 15.000 người mỗi trận, tức là gấp đôi so với sân Pleiku, nơi có HA.GL vốn được xem là CLB nhiều CĐV nhất Việt Nam. Có lẽ cũng không cần giải thích về “hiện tượng” Nam Định, đơn giản vì đó là “chất địa phương” của đội bóng đủ để đưa khán giả đến sân. Họ yêu quý đội nhà, dù thắng hay thua cũng đến sân.
Đấy là một trong những điều kiện tiên quyết của bóng đá chuyên nghiệp. Tại Nhật Bản, một CLB được công nhận đủ chuẩn chuyên nghiệp, dù thuộc sở hữu tư nhân thì bắt buộc phải có 30% cổ phần của địa phương do chính quyền đại diện. Tại Đức, CLB được xem là thuộc về công chúng dù tài chính hoạt động đến từ đâu đi nữa. Nghĩa là các CĐV luôn có tiếng nói quan trọng đối với mọi vấn đề của đội bóng. Có như vậy những sân bóng tại Nhật Bản hay Đức mới luôn đông đảo, các CLB không kiếm được quá nhiều tiền nhưng tài chính thì luôn ổn định.
Đây chính là cách mà bóng đá Việt Nam cần áp dụng trong bối cảnh không riêng gì bóng đá, toàn bộ nền thể thao Việt Nam vẫn chưa thể tự kinh doanh từ các sản phẩm của mình. Thuyết phục các CĐV bằng cách gắn họ với quyền lợi của đội bóng, đặc biệt là những giá trị địa phương sẵn có thì sẽ đỡ tốn kém và cũng bền lâu hơn nhiều so với tìm mọi cách để thu hút quảng cáo, làm thương hiệu thông qua thành tích thi đấu.