Giá trị của một trận thua

Mục tiêu vượt qua vòng bảng để hy vọng đội tuyển bóng đá U20 Việt Nam sẽ giành vé dự World Cup trẻ thế giới lần thứ 2 đã không thành, nhưng chắc chắn đây không phải là chiến dịch thất bại của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.
Giá trị của một trận thua

Có một chi tiết khá thú vị: Với 2 trận thắng tại vòng bảng U20 châu Á, thì đây là kết quả tốt nhất từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam tại một kỳ giải bóng đá châu lục. Chúng ta từng vào tứ kết Asian Cup 2007 và 2019, từng vào tứ kết và á quân U23 châu Á, cũng như vào bán kết các giải U16 châu Á 2000, U19 châu Á 2016, nhưng chưa từng đạt 6 điểm ở vòng đấu bảng như thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Đấy là chưa kể, U20 Việt Nam rơi vào bảng đấu khá nặng với 3 cái tên vừa có đội tuyển dự World Cup 2022 vừa qua. Nói như vậy để thấy, việc để hụt tấm vé vào vòng knock-out thực sự đáng tiếc.

Nhưng thất bại nào cũng có giá trị của nó. Hãy nhìn cách mà các cầu thủ U20 Iran tự vỗ ngực, hét to sau một pha ngăn chặn được đường tấn công của U20 Việt Nam, sẽ thấy là chính các cầu thủ đến từ nền bóng đá hàng đầu châu Á cũng đã rơi vào trạng thái lo lắng, sợ thua cuộc. Thực tế thì U20 Iran đã bị gỡ hòa dù dẫn bàn trước. Khi nâng tỷ số lên 2-1, họ chịu sức ép liên tục từ U20 Việt Nam. Thái độ tự tin, sẵn sàng chơi sòng phẳng với đối thủ mạnh, rõ ràng là một dấu ấn lớn của các cầu thủ trẻ Việt Nam.

Thua một đội bóng như Iran thì chẳng có gì phải nuối tiếc. Công bằng mà nói, thành tích của U20 Việt Nam vượt xa mong đợi vì xét cho cùng, bóng đá Việt Nam vẫn chưa nằm trong tốp 10 châu lục. Nhưng chặng đường tiến vào tốp 10 sẽ gần hơn nhiều nếu chúng ta trân quý những gì mà các đội bóng trẻ như U20 đã làm. Họ có tinh thần tốt, có đấu pháp hợp lý và có khao khát chiến thắng đáng nể. Các yếu tố đó chính là điều giúp bóng đá Việt Nam thu ngắn được khoảng cách với những nền bóng đá như Iran, Australia…

Nhưng cũng từ sự nuối tiếc của U20, cũng cần phải nhìn nhận một cách thực tế là chúng ta còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề thể lực. Muốn ra tầm châu Á, chúng ta luôn phải chơi ở thế trận phòng ngự - phản công, có nguy cơ nhận bàn thua trước. Nếu đối thủ chơi tốt 90 phút, thì chúng ta phải có thể chạy được 100 phút. Thể lực và tinh thần sẽ bù đắp những thua kém về đẳng cấp, kinh nghiệm. Tinh thần có cao đến mấy nhưng “lực bất tòng tâm” thì cũng vậy. Thời HLV Park Hang-seo đã có tiến bộ lớn về thể lực, nhưng thực tế là ở bóng đá Việt Nam, các cầu thủ chỉ chơi bóng ở cường độ cao trong khoảng 60 phút. Điểm yếu đó nếu không khắc phục thì rất khó để hoàn thành giấc mơ World Cup trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục