Giá như…

1. Sự kém cỏi của đội U.23 tại SEA Games 26 như thế nào, ai cũng thấy. Ngoài sự yếu kém về chuyên môn, điều người hâm mộ thất vọng nhất chính là thái độ thi đấu bạc nhược, vô hồn của các tuyển thủ. Nhưng cũng có người đặt vấn đề rằng: thực ra năng lực cầu thủ Việt Nam không tệ đến mức đó và mọi thứ có thể đã khác nếu như có người biết cách kích thích tinh thần “màu cờ sắc áo” nơi cầu thủ thì không đến nỗi thi đấu tệ hại như vậy.

Và có người nhắc đến ông Tô Hiền, nguyên trưởng đoàn bóng đá Việt Nam với câu chuyện về “chùm khế quê hương” tại Tiger Cup 1996 mà nhờ thế đội tuyển đang rệu rã, nghi ngờ lẫn nhau lại siết chặt đội ngũ để có một kỳ giải thành công. Rất tiếc là từ sau câu chuyện đó, bóng đá Việt Nam thiếu hẳn một nhân vật tinh thần như vậy ở cấp trưởng đoàn, mọi việc gần như phó mặc cho các HLV trưởng nước ngoài với sự hiểu biết khá hạn chế về tâm lý người Việt.

Cũng vì thế, có người đã nói, giá như ai đó tại đội U.23 dành một ngày để cho các cầu thủ trẻ xem lại khoảnh khắc té ngã rồi cố gắng gượng dậy để chạm vạch đích của VĐV Nguyễn Thị Phương ở môn điền kinh hay những giọt nước mắt tức tưởi trên sàn đấu của Hoàng Hiệp (karatedo), Lương Thị Quyên (vật) để thấy rằng, muốn có một thành tích tại SEA Games, các VĐV khác phải trải qua biết bao trở ngại. Tuy nhiên, họ chấp nhận tất cả, chỉ tiếc nuối khi không đem về thành tích cao nhất cho thể thao Việt Nam.

Những động tác đó là nghệ thuật dẫn dắt tâm lý. Nó có giá trị nhiều hơn mọi lời hô hào, động viên hay 1 triệu USD tiền thưởng được “treo” trước ngày lên đường của đội U.23 Việt Nam. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam luôn đề nghị các CĐV hãy ủng hộ và động viên đội tuyển nhưng ngay chính họ lại không có cách để tạo động lực thi đấu cho cầu thủ nhằm vượt qua những giới hạn về chuyên môn.

2. Nhân chuyện này mới nhớ đến “thầy phù thủy” Calisto, một bậc thầy về tâm lý dù chuyên môn huấn luyện của ông cũng có những hạn chế. Đã có lần, ông đưa cả đội Gạch Đồng Tâm Long An vào… toilet trước trận đấu với kình địch Hoàng Anh Gia Lai để khiến các cầu thủ tự ái mà quyết tâm thắng trận. Ông đã từng tự mình chuẩn bị những lá cờ Việt Nam nhỏ, giao cho các cầu thủ để họ bỏ vào vớ mà nhớ đến việc mình đang đá bóng vì Tổ quốc. Chính Calisto đã xây dựng một triết lý “fighting” (tính chiến đấu) nơi đội tuyển Việt Nam để từ đó cầu thủ không còn biết ngán ngại bất kỳ đối thủ nào.

Không phải chuyên gia ngoại nào cũng làm được như Calisto. Rất tiếc, những chi tiết nhỏ nhặt nhưng cực kỳ quan trọng về tinh thần ấy lại không có ai nghĩ đến và tìm cách thực hiện trong trường hợp đội U.23 chơi quá kém tại SEA Games 26. Trong khi đó, lẽ ra các cầu thủ phải được biết về sự hy sinh và nỗ lực của các VĐV khác để chính họ phải cảm thấy quyết tâm hơn mà xứng đáng với lòng tin của người hâm mộ. 

THÚY OANH

Tin cùng chuyên mục