Theo tiến trình thành lập thì Công ty VPF sẽ ra mắt chậm nhất là trong tháng 12 tới để kịp điều hành V-League và giải hạng Nhất sẽ khởi tranh vào cuối tháng 12. Thế nhưng, thất bại tại SEA Games 26 đã cho thấy sự ra đời của VPF là không phải bàn cãi, nhưng không vì thế mà vội vàng.
Hôm nay, VFF sẽ ngồi lại với HLV Falko Goetz để mổ xẻ thất bại ở SEA Games 26. Vấn đề là chẳng ai biết, họ sẽ nói với nhau điều gì bởi tất cả những yếu kém dẫn đến việc đội U23 không hoàn thành chỉ tiêu lồ lộ ra đấy, đâu cần thêm bí mật nào nữa để mà mổ xẻ. Nếu có, thì đấy chính là nghi vấn tiêu cực quanh trận thắng Lào. Tuy nhiên, chính ông Goetz đã nói, trận đó không có tiêu cực rồi mà!
Ai cũng thấy, vấn đề của đội U23 không chỉ nằm ở HLV F.Goetz mà đấy chỉ là kết quả của một quá trình dài làm việc không có khoa học và những sự hợp lý của VFF. Đấy là hậu quả tất yếu của một nền bóng đá phát triển nhưng không có chân đế vững. Việc đó, có hỏi ông Goetz thì cũng chẳng giải quyết được gì. Nơi VFF cần hỏi, cần mổ xẻ, chẳng ai khác, là chính họ.
Chúng tôi cho rằng, đây không phải là lúc để nhìn lại thất bại tại SEA Games 26. Chưa có lần nào, chúng ta có thể nhìn ra trọn vẹn sự yếu kém của bóng đá nước nhà như lần này. Và như vậy, chẳng có cơ hội nào tốt hơn để phải bắt tay làm lại một cách thực sự, một cách triệt để bằng một chiến lược dài hơi để nâng tầm bóng đá Việt.
Nhưng, vấn đề là bắt đầu của mọi sự bắt đầu, chính là từ VFF.
o0o
Đấy là lý do mà chúng tôi cho rằng, VPF không nên vội vàng ra đời và thậm chí, nếu cần thiết, có chậm khởi tranh V-League cũng được, sau tết Nguyên đán là tốt nhất.
Bởi theo các thông tin mới nhất thì nhiều khả năng, nhân sự chủ chốt của VPF đều là người từ VFF. Tất nhiên là hệ thống giám sát của VPF sẽ khác các BTC cũ, nhưng cần phải nhớ rằng, nếu chúng ta chưa làm rõ trách nhiệm của VFF từ thất bại của đội U23 thì làm sao có thể đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu cho VPF để công ty này có thể điều hành V-League và giải hạng Nhất tốt hơn.
Trách nhiệm của VFF ở SEA Games 26 là rất lớn. Như đã phân tích, suốt một quá trình dài, họ không hề điều chỉnh những bất ổn tại đội U23. Một số biểu hiện bất thường trong công tác huấn luyện của ông Goetz đã không được điều chỉnh kịp thời.
Trước đây, khi Calisto có 11 trận không biết thắng trước AFF Cup 2008, dư luận đã giám sát rất kỹ mà chẳng cần đến VFF. Trong khi đó, ông Goetz lại gần như được chính VFF tạo mọi điều kiện để có được các kết quả tốt nhờ 2 giải tập huấn với các đối thủ được “mồi sẵn”. Dư luận bị đánh lừa bởi các kết quả nhưng VFF lẽ ra cần phải tỉnh táo bởi hơn ai hết, họ gần với ông Goetz nhất.
o0o
Cải tổ là vấn đề bức thiết nhất đối với VFF hiện nay. Họ đã may mắn “thoát” khỏi kỳ đại hội bất thường sau khi “thỏa hiệp” với các ông bầu cho VPF được thành lập. Thế nhưng, điều đó không cho thấy VFF đã thay đổi. Dư luận có quyền nghi ngờ chất lượng quản lý và điều hành của VFF và liệu khi đa số nhân sự của họ được bố trí nắm quyền tại VPF thì công ty này có phải là “cánh tay nối dài” của VFF hay không?
VPF thật ra chỉ là chiếc “bình mới” so với hệ thống BTC cũ. Và như vậy, cái quan trọng nhất là “rượu cũng phải mới”. Chúng tôi không hồ đồ cho rằng, nhân sự mà VFF giới thiệu là những người yếu năng lực chuyên môn. Thế nhưng, trong một VFF cũ kỷ và bảo thủ, đâu có ai khẳng định những nhân tố của họ đã không bị “lây bệnh”. Để các giải đấu tốt hơn, không chỉ là việc cân, giảm cầu thủ ngoại hay sử dụng nhiều hơn các cầu thủ trẻ mà cần có chiến lược rõ ràng hơn trong cách phát triển bóng đá nước nhà.
Hồ Việt