Cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng gây sốc làng bóng đá Việt Nam với câu nói bất hủ: “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông như thế không?” đã bị dư luận chỉ trích quyết liệt vì khán đài cần khán giả và bóng đá thì đặc biệt cần đối tượng này, càng đông càng hào hứng.
Ấy thế mà câu nói tưởng chừng ngược đời của ông Hỷ trước đây giờ lại ứng với thể thao Việt Nam, sau khi lãnh đạo ngành công bố kế hoạch chuẩn bị lực lượng đến Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 9 tới. Tức là thể thao Việt Nam cần đến 250 VĐV cho mục tiêu… đoạt 3 tấm HCV, và nếu chia trung bình thì cứ 83,3 VĐV sẽ mang trên mình trọng trách “săn tìm” 1 tấm HCV (!?).
Tỷ lệ “chọi” cao như thế, khả năng thành công rất lớn, vì thể thao Việt Nam lúc này có nhiều VĐV xếp ở đẳng cấp hàng đầu châu lục, thế giới. Song, đấy là nói trên phương diện lý thuyết, còn trên thực tế cuộc tranh tài, không phải VĐV xuất sắc nhập cuộc là thắng nhanh, thắng dễ đối thủ để đoạt HCV. Thể thao cần sự tính toán chính xác, đôi khi đến phần trăm, phần ngàn giây mới phân định được thắng - thua.
250 VĐV sẽ đến Hàn Quốc để tranh 3 tấm HCV, như thế liệu có phí phạm quá không? Chắc chắn là vậy rồi! Còn nhớ cách đây 4 năm, đoàn thể thao Việt Nam sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự Asian Games 2010 với quân số lên tới 267 VĐV, nhưng ra về với vỏn vẹn 1 tấm HCV của nữ võ sĩ Lê Bích Phương ở môn karatedo. Trong khi đó, Malaysia chỉ đưa hơn Việt Nam chừng 60 VĐV nhưng đã có trong tay 9 tấm HCV, xếp hạng 10 toàn châu Á, chỉ thua Thái Lan (11 HCV) ở khu vực Đông Nam Á.
Chuẩn bị cho Asian Games 2010, thể thao Việt Nam đã chi ra bộn tiền, đưa hết đội tuyển này đến VĐV nọ xuất ngoại tập huấn, thi đấu quốc tế để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh ở đấu trường châu lục. Rốt cuộc, chúng ta vẫn thất bại, phần vì thiếu may mắn, nhưng phần lớn do cách tuyển chọn lực lượng để đầu tư quá dàn trải và thiếu tính trọng điểm.
Sự phí phạm của 4 năm trước có thể sẽ lại tái diễn ở Á vận hội lần này, nếu đoàn thể thao Việt Nam vẫn khăng khăng với bài toán 250 VĐV dứt khoát sẽ đoạt được 3 tấm HCV ở xứ sở kim chi. Thay vì lãng phí như vậy, vì sao thể thao Việt Nam không quy chuẩn tiêu chí, chọn môn trọng điểm và có khả năng tranh chấp HCV cao nhất để đầu tư? Bắn súng, TDDC, điền kinh, bơi lội, karatedo, vật, cử tạ, quyền Anh nữ là số ít những môn nằm trong diện này, tức là có VĐV đạt trình độ tranh chấp được HCV ở đấu trường Asian Games. Còn lại, khi taekwondo, cầu mây, bóng bàn, judo, wushu… đang chững về phong độ, thì không nhất thiết phải chọn VĐV cho đông mà chất lượng chuyên môn không đảm bảo.
Vừa rồi, có vẻ như sau suy tính, giới chức Tổng cục TDTT chỉ rụt rè đưa ra con số 64 VĐV trọng điểm vì mục tiêu Asian Games 2014 với mức đầu tư 800.000 đồng/người/ngày. Trong khi đó, gần 200 VĐV khác nằm ở diện “mở”, tức là được hoặc thậm chí không được đưa vào thành phần đến Incheon.
Có một điều chắc chắn rằng thể thao Việt Nam sẽ không chỉ đưa đến Hàn Quốc 64 VĐV nói trên, mà phải gấp 4 - 5 lần con số đó, bởi vì lâu nay, căn bệnh mãn tính của ngành là chốt danh sách phút cuối để khiến giới làm nghề phải thảng thốt, ép dư luận phải chấp nhận dù nó khác xa với tính toán ban đầu.
LÊ HÙNG