Đừng để khát khao “chết” đi

Nếu chúng tôi nhớ không lầm, trong “mùa hè cháy bỏng” 2007, người ta đã nói đến chuyện kể từ đấy, bóng đá Việt Nam sẽ đường hoàng đi bằng cửa chính vào các VCK Asian Cup. Tin không? Tin chứ! Bất kỳ ai có mặt ở Hà Nội mùa hè năm đó đều sẽ nói như vậy.

Nếu chúng tôi nhớ không lầm, trong “mùa hè cháy bỏng” 2007, người ta đã nói đến chuyện kể từ đấy, bóng đá Việt Nam sẽ đường hoàng đi bằng cửa chính vào các VCK Asian Cup. Tin không? Tin chứ! Bất kỳ ai có mặt ở Hà Nội mùa hè năm đó đều sẽ nói như vậy.

Công bằng mà nói, mùa hè năm đó, chúng ta chưa đạt đến đẳng cấp của 1 trong 16 đội mạnh nhất châu lục. Nói cách khác, nếu không có lợi thế làm chủ nhà, có lẽ lọt vào VCK Asian Cup vẫn chỉ là giấc mơ.

Nhưng sự thật là khi ấy, tất cả chúng ta đều tin đội tuyển mình có thể đạt đến điều đó. Chưa bao giờ, cái đẳng cấp mà chúng ta mơ ước lại gần đến thế. Xem những chàng trai của ông Alfred Riedl chơi ngày ấy, cái cảm giác khát khao chưa bao giờ dâng cao đến như vậy. Có lẽ, như ông Riedl nói, chỉ có chiều cao cơ thể còn hạn chế mới ngăn được khát vọng của “lữ đoàn đỏ” thời đó.

Sự thật là chúng ta chơi không tồi chút nào trước những đàn anh châu lục. Thế trận hiên ngang, tinh thần máu lửa, đấu pháp chặt chẽ. Những tuyển thủ như Quang Thanh, Công Vinh, Vũ Phong, Tấn Tài, Minh Phương, Tài Em… đốt cháy Mỹ Đình bằng các trận cầu đầy khát khao tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.

o0o

Vậy mà giờ đây thì sao? Chúng ta “ném” vào vòng loại Asian Cup 2015 một bản danh sách lên đến 50 người, cứ như thể có bao nhiêu vét hết bấy nhiêu. Chúng ta đưa ra một bản danh sách mà những con người dày dạn trận mạc được xếp chung với những “tia hy vọng”, những người đang chán nản, bế tắc phải đứng chung với các cầu thủ mà kinh nghiệm sân cỏ hãy còn chưa vươn đến đế giày. Đấy không phải là một bản danh sách của tương lai như những người lập ra lý giải mà sự thật, đó là sự xúc phạm  một quá khứ chưa xa, về một khát vọng đẳng cấp.

Giá như VFF cứ đưa đội U22 đi đá luôn cho rồi. Lúc đó, chí ít vẫn còn có cái để mà giải thích chứ cái đội tuyển nửa “trẻ con”, nửa “người lớn” ấy đại diện cho thông điệp gì đây?!

o0o

Sự pha trộn ấy khiến chẳng ai còn màng đến việc tuyển chọn HLV trưởng ở vòng loại Asian Cup. Một đội tuyển như thế, nói xin lỗi, ai làm mà chả được! Bởi nó có mục tiêu gì đâu khi người ta cứ dán 2 chữ “tương lai” vào đấy. Xin đừng nhìn tương lai bằng cách hời hợi như vậy. Đừng bắt các cầu thủ sẽ đá SEA Games 27 phải gánh vác trách nhiệm tìm kiếm cái gì đó ở vòng loại Asian Cup. Kinh nghiệm ư? Liệu có hay không, hay cái nhận được là hậu quả khôn lường khi tinh thần bị tổn thương bởi những thất bại thảm hại. Nếu thực sự muốn chuẩn bị cho tương lai, hãy bắt đầu từ hiện tại bằng cách cử một đội bóng mà các tuyển thủ hiện nay làm nòng cốt có bổ sung nhiều nhân tố trẻ nổi bật. Những cầu thủ trẻ đó, chính là nòng cốt để xây dựng đội U23 cho SEA Games.

o0o

Vì thất bại thảm hại ở AFF Cup 2012 mà VFF mới nghĩ ra bản “danh sách của tương lai” ấy. Nhưng liệu thất bại tại AFF Cup có đáng bị đối xử như vậy hay không. Những con người vừa bị đẩy xuống tận vực thẳm tinh thần hoặc cần được nghỉ ngơi, cần được cổ vũ để họ tái tạo lại khát khao cho mình chứ không nên biến họ thành “người thừa” trong một bản danh sách trộn lẫn trẻ-già một cách vô lý như vậy.

Xin nhớ rằng, vòng loại Asian Cup 2015 là sân chơi của đội tuyển quốc gia. Nói cho dễ hiểu, dù tự chúng ta xem là đội U22 thì với AFC, đấy vẫn là đội tuyển quốc gia. Nghĩa là bất kỳ cầu thủ nào có tên trong bản danh sách ấy đều phải có niềm tự hào mình là một tuyển thủ “xịn”. Đừng bắt các tuyển thủ vừa đá AFF Cup 2012 mang cảm giác bị đàn em của mình nhìn bằng ánh mắt thiếu tôn trọng.

Thất bại tại AFF Cup 2012 quả là nặng nề nhưng hoàn toàn không phải là dấu chấm hết của một thế hệ cầu thủ. Những cầu thủ vẫn cần được động viên, vẫn cần được ghi nhận nỗ lực của họ cho đội tuyển quốc gia. Nếu họ có đánh mất khát khao chơi bóng thì hãy giúp họ lấy lại điều đó. Đừng “giết chết” chút lòng tự trọng còn lại…

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục