Đừng cố thêm nữa

1. Những gì mà các nhà đầu tư của đội Đồng Tháp đã làm 2 năm qua không có gì sai. Từ chuyện “bán bia kèm… đậu phộng” cho CĐV trong khi mua vé vào sân, phát hành cổ phiếu ưu đãi, tổ chức hoạt động marketing kích cầu trong việc bán quảng cáo tài trợ… đều là những phương án đúng đắn mà bất kỳ CLB chuyên nghiệp nào cũng phải có.

Quầy bán vật phẩm lưu niệm của Đồng Tháp trước trận đấu rất chuyên nghiệp. Ảnh: DFC

Ít người biết rằng, từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên năm 2001 đến nay, Đồng Tháp là đội luôn đi đầu trong cách làm chuyên nghiệp. Nếu không tính các doanh nghiệp tư nhân mới đầu tư cho bóng đá thì Đồng Tháp là đội đầu tiên áp dụng mô hình “Đoàn bóng đá” hoạt động độc lập so với cơ quan quản lý nhà nước, tiền thân của các công ty cổ phần sau này. Từ năm 2004, trước khán đài A sân Cao Lãnh đã có mô hình bán vật phẩm lưu niệm dù chiếc tủ trưng bày có phần khiêm tốn so với lượng khán giả trung bình mỗi trận cả vạn người. Chính vì thế, việc họ tiên phong trong một số mô hình chuyên nghiệp sau khi chính thức thành lập công ty bóng đá hồi 2 năm trước cũng là chuyện bình thường.

Dám nghĩ, dám làm nhưng Đồng Tháp vẫn cứ lận đận. Từ năm 2000 đến nay, Đồng Tháp 4 lần xuống hạng, 5 lần lên hạng chỉ trong vòng 15 năm. Năm nay, đã là lần thứ 5 họ trở về với hạng Nhất.

2. Nếu nhìn vào lộ trình đó, việc Đồng Tháp quay lại V-League là chuyện không khó, thế nhưng, quay lại để làm gì?

Sự cố gắng vượt khó của bóng đá Đồng Tháp là đáng ghi nhận nhưng qua những lần lên - xuống của họ, rất dễ thấy là các ý tưởng làm bóng đá của đội này không phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp. Nói cách khác, môi trường bóng đá hiện tại không có chỗ cho kiểu đội bóng “nhà nghèo vượt khó”.

Ở một góc độ rộng hơn, một đội bóng như Đồng Tháp mà không trở lại với V-League hẳn là chuyện đau lòng đối với người hâm mộ xứ này nhưng theo chúng tôi, nếu Đồng Tháp không quay lại với bóng đá đỉnh cao đó mới thật sự là một bài học cảnh tỉnh cho những nhà quản lý. Người ta làm bóng đá vĩ mô mà cứ theo kiểu “xúi bậy”, để rồi có chuyện gì thì cứ đứng ngoài vô can. Gần 2 năm làm chuyên nghiệp nhưng không bán được quảng cáo trên ngực áo dù đã nỗ lực trong marketing thì cố gắng thêm liệu có ích gì? Nếu những sự “biến mất” của Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang… còn có lý do để giải thích thì việc Đồng Tháp vô định về tương lai chính là cái kết đau nhất cho mô hình bóng đá chuyên nghiệp không giống ai ở Việt Nam, một mô hình mà các đội bóng không “chụp giựt” thì thay nhau “cố gắng” liên tục dù chẳng biết cái đích là gì.

Thế nên, Đồng Tháp đừng cố gắng quay lại V-League nữa. Có quá nhiều bài học, mà bài học lớn nhất là sau “4 lên, 5 xuống” thì toàn bộ nguồn lực của làng cầu số 1 miền Tây này cạn kiệt đến mức không còn gì để tự hào. Mất mát như vậy là quá khủng khiếp, có cần phải đánh đổi thêm chỉ để có hư danh “đá V-League” nữa không?

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục