Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Golf Việt Nam – Nha Trang 2024, chiều 27-11, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Báo SGGP phối hợp Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa, Công ty Ngôi sao Giải trí Toàn Cầu tổ chức Hội thảo "Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam".
Tham dự hội thảo có ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa; ông Cung Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa; ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa; ông Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa.
Về phía đơn vị tổ chức có bà Bùi Thị Hồng Sương, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Golf Việt Nam – Nha Trang 2024; ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP; bà Trần Thị Minh Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ngôi sao Giải trí Toàn Cầu và ông Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam; ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Nam Á bank; ông Phạm Hùng Vĩnh, Giám đốc Chiến lược toàn cầu, đại diện thương hiệu Đôi Dép.
Ngoài ra, ông Bạch Cường Khang, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam và bà Nguyễn Vân Anh, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Golf TPHCM cũng đến tham dự hội thảo.
Về phía đơn vị tài trợ có ông Phạm Hùng Vĩnh, Giám đốc chiến lược toàn cầu thương hiệu Đôi Dép và ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Nam Á Bank dự hội thảo
Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh cho biết, golf du nhập vào Việt Nam từ khá sớm trong những năm 20 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, chỉ khi đất nước mở cửa đón đầu tư nước ngoài và chào đón khách du lịch, thì môn golf mới được hồi sinh và phát triển. Sự kiện khai trương Vietnam Golf and Country Club vào năm 1994 tại TPHCM đã đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên chơi golf tại Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam được đánh giá là điểm đến chơi golf lý tưởng trong khu vực châu Á nhờ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu nhiệt đới thuận lợi để đầu tư phát triển sân golf và loại hình du lịch golf. Nước ta hiện có khoảng 100 sân golf 18 hố đang hoạt động, trong đó có 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao, kết hợp khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Việt Nam cũng vừa tổ chức Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards) lần thứ 11, được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024”. Với 8 lần được bình chọn là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á", 2 lần đạt giải thưởng "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới", Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) 6 năm liên tiếp chọn Việt Nam là "Điểm đến Golf hàng đầu châu Á" (2017 - 2022) và "Điểm đến Golf hàng đầu thế giới" năm 2019, 2021... chúng ta có thể tự hào khẳng định thương hiệu, sức hấp dẫn và vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch golf thế giới. Và điều làm chúng ta phấn khởi hơn trong những năm gần đây khi các golfer Việt Nam cũng gặt hái được nhiều thành công tại giải đấu quốc tế.
Với định hướng phát triển du lịch bền vững hướng tới các thị trường tiềm năng, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) xác định du lịch golf là một loại sản phẩm chuyên biệt quan trọng, cần được quan tâm đầu tư phát triển mạnh thời gian tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành "Thiên đường Golf của châu Á".
Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam còn hết sức hạn chế do lượng sân golf còn ít, tỉ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf chưa cao trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn nhiều hạn chế, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE, caravan, chưa có các giải thưởng chuyên nghiệp, các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf một cách bài bản. Đây cũng là những vấn đề chúng ta có thể trao đổi hôm nay.
Giới thiệu đôi nét về Báo SGGP, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Anh cho biết, những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, Báo SGGP đã khởi xướng và tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình xã hội có ý nghĩa sâu rộng như chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Giải thưởng Võ Trường Toản, Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, chương trình Đồng hành vượt cạn… Gần đây nhất là chương trình Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường; cuộc thi phóng sự - ký sự Tỏa sáng giá trị Việt; cuộc thi ảnh Đất nước ngàn hoa. Về thể thao, giải thưởng Quả bóng vàng của báo được tổ chức thường niên, được xem như sự gửi gắm niềm tin “vươn mình Phù Đổng” của bóng đá Việt Nam. Sự kiện uy tín này đã được Bộ VH-TT-DL và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam công nhận như một giải thưởng chính thức và duy nhất cấp quốc gia. Cả Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) cũng ghi nhận sự lan tỏa rộng khắp của giải thưởng bằng việc đưa thông tin chính thức lên website ở mỗi kỳ trao giải.
Và nay tại thành phố biển này, được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Báo SGGP tổ chức sự kiện đầy ý nghĩa để tôn vinh và cổ vũ, động viên, phát triển golf. Để golf không chỉ là môn thể thao có lợi cho sức khỏe mà còn mang lại nhiều giá trị lớn lao khác…
Du lịch golf đang được xem là “kho báu” của ngành kinh tế xanh
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, ngày nay, nhu cầu giải trí của mọi người ngày càng tăng, golf đã trở thành môn thể thao với số lượng người chơi và sự quan tâm lớn. Nhẹ nhàng nhưng đẳng cấp, chậm rãi nhưng bền bỉ, mạnh mẽ uyển chuyển, ung dung trên những thảm cỏ xanh ngút ngàn, golf luôn được coi là môn thể thao có sức hút đặc biệt. Nhiều sân golf đã được xây dựng với mong muốn đáp ứng nhu cầu của người chơi. Phát triển môn golf chính là một cách nâng tầm thương hiệu của TP Nha Trang – Khánh Hòa, không những có thể thu hút được những cư dân mới, có mức sống cao và tiêu dùng cao, mà còn thu hút được lượng khách doanh nhân yêu thích môn thể thao này tới chơi vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, có mức chi trả cao. Đặc biệt, với xu hướng bàn bạc, hợp tác kinh doanh qua những trận golf thì phát triển môn thể thao golf cũng là một cách thu hút được nguồn đầu tư từ bên ngoài vào Khánh Hòa.
Khánh Hòa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan sống động với hơn 200 đảo, quần đảo, bờ biển dài khoảng 385km với nhiều cửa lạch, đầm và có 3 Vịnh biển đẹp, gồm: Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang và Vịnh Cam Ranh. Hơn nữa, tại đây có 3 sân golf quy mô, có thể nói là nổi tiếng trên khu vực và thế giới; có sân golf Vinpearl là sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng trên đảo đầu tiên tại Việt Nam, góp phần hình thành các khu dịch vụ du lịch thể thao, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp. Đặc biệt, khí hậu Nha Trang - Khánh Hòa rất đẹp, ít mưa nên cho phép khách du lịch đánh golf gần như quanh năm, hiệu suất khai thác cao. Thời gian bay từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đến Khánh Hòa khá ngắn nên rất dễ thu hút khách đến nghỉ dưỡng kết hợp đánh golf.
Người chơi golf không chỉ đến sân chơi golf đơn thuần mà còn kết hợp với việc nghỉ dưỡng và tham quan, khám phá những địa điểm du lịch thú vị xung quanh. Cho nên việc phát triển bộ môn này có thể kéo theo các loại hình khác như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giao thông… Khách của du lịch golf thường có mức chi tiêu trung bình cao hơn so với các khách du lịch thuộc các loại hình khác. Việc có sân golf tại một điểm đến cũng là yếu tố thu hút các khách du lịch khác, đặc biệt là khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
Bên cạnh đó, các sân golf thường dễ thu hút đầu tư du lịch, cải thiện việc làm, tăng khả năng cạnh tranh và bù đắp cho đặc tính theo mùa của du lịch truyền thống. Chính vì vậy, du lịch golf đang được xem là “kho báu” để ngành kinh tế xanh của Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng phục hồi, bứt phá.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, dù có điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng số lượng sân golf hiện nay còn ít, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sân golf, chưa có giải thưởng chuyên nghiệp để quảng bá nên sản phẩm du lịch golf ở Khánh Hòa vẫn còn hạn chế. Đơn cử như KN Golf Links Cam Ranh rất thuận tiện cho việc di chuyển của khách chơi golf nhưng khu vực Bãi Dài vẫn thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm nên khách không ưa chuộng.
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nhà, như Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 04/6/2024, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh, theo đó đặt mục tiêu chung: “Phát triển mạnh các loại hình kinh doanh, dịch vụ thể thao, đưa thể dục thể thao trở thành một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành nhằm tạo nguồn thu đóng góp cho ngân sách và tái đầu tư phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của tỉnh. Đồng thời, thông qua các hoạt động thể dục, thể thao để quảng bá hình ảnh của tỉnh Khánh Hòa đến với du khách trong và ngoài nước”. Trong số đó, các sân golf hiện đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao gắn với thể thao, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; hướng đến các thị trường khách có mức chi tiêu cao; thu hút các nhà đầu tư xây dựng thêm các sân golf trên địa bàn tỉnh; nỗ lực hơn nữa để xây dựng các tour du lịch golf; tăng cường quảng bá du lịch golf ở các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á… Để thu hút khách chơi golf đến Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, vai trò của các công ty lữ hành rất quan trọng bởi những đơn vị này chính là khâu kết nối với hàng không, sân golf, các điểm đến, nhà hàng, khách sạn... Bên cạnh đó, để du lịch golf phát triển, cần tăng cường ứng dụng công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Với Khánh Hòa, có thể tổ chức giải golf chung của 3 sân golf hiện có hoặc mở tour golf Nha Trang - Đà Lạt để tăng trải nghiệm cho du khách.
Lễ hội Golf Việt Nam - Nha Trang 2024 không chỉ tạo cơ hội cho người dân địa phương, cộng đồng những người yêu thích môn golf tham gia thi đấu, trải nghiệm mà còn thúc đẩy sự phát triển loại hình, sản phẩm du lịch kết hợp thể thao, đặc biệt là du lịch golf; qua đó góp phần quảng bá các giá trị truyền thống văn hóa, ẩm thực, con người, hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển chuyên môn golf nhanh nhất thế giới
Tại hội thảo, để có cái để có cái nhìn tổng quan và toàn cảnh về bộ môn golf cũng như tầm nhìn chiến lược để phát triển golf và du lịch golf trong thời gian tới, ông Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam chia sẻ về tổng quan ngành golf Việt trong 10 năm qua và tầm nhìn 10 năm tiếp theo.
Ông Vũ Nguyên thông tin, nếu như giai đoạn năm 2000, Việt Nam chỉ có 6 sân golf, số lượng người chơi chỉ vỏn vẹn 4.000 người. Đến năm 2010, số sân golf tăng lên 17 sân, số người chơi đạt 10.000 người. Đặc biệt, ghi nhận đến năm 2024, Việt Nam đã có 70 sân golf, số người chơi golf tăng lên trên 100.000 người.
Từ duy nhất một giải đấu golf Vô địch Quốc gia năm 2005, Việt Nam đã phát triển thành hệ thống thi đấu quốc gia với 4 đến 6 giải ở giai đoạn 2008-2020. Hiện VGA chính thức duy trì 3 hệ thống thi đấu golf quốc gia, gồm: VGA Tour, Amateur Series và VGA Junior Tour. Ngoài ra, hàng loạt các giải quốc tế cũng đã được VGA kêu gọi, phối hợp, chủ động tổ chức. “Giai đoạn 2008-2015, Việt Nam vẫn là quốc gia kém phát triển về golf. Nhưng từ 2016 đến nay, Việt Nam đã chủ động đào tạo chuyên gia, trọng tài, đội ngũ quản lý để điều hành các hoạt động golf. Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển chuyên môn golf nhanh nhất thế giới, là thành viên tích cực của các tổ chức golf thế giới”, ông Vũ Nguyên thông tin.
“Các sân golf của Việt Nam tuy ít, nhưng được đầu tư bài bản, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể tổ chức các giải đấu lớn. Nhiều sân golf ở nước ta được thiết kế bởi nhiều huyền thoại golf và các công ty thiết kế chuyên nghiệp. Chúng ta có lợi thế cảnh quan đa dạng, đẹp và hùng vĩ, cùng đội ngũ chuyên môn ở lĩnh vực golf được đào tạo bài bản, nên thuận lợi phát triển ngành công nghiệp golf. Golf ở Việt Nam là một ngành dịch vụ trọn gói, trở thành môn thế thao tận hưởng. Những năm qua, nhiều giải đấu golf quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, tạo ra nhiều công việc cho người dân và thu hút du lịch rất lớn. Rõ ràng golf đang là môn thể thao mang lại ích kinh tế cho Việt Nam”, ông Vũ Nguyên chia sẻ.
Để phát triển golf trẻ, hiện nay Hiệp hội Golf Việt Nam đã đưa môn thể thao này vào học đường. Trong đó, có 2 trường tại TP Hà Nội, 1 trường tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An) đã đưa vào giảng dạy thử nghiệm và bước đầu mang lại tín hiệu khả quan khi số lượng người tiếp cận lên đến khoảng 5.000 người. Thời gian tới, hiệp hội sẽ tiếp tục mở rộng chương trình ra các tỉnh phía Nam.
Nâng cao chất lượng golfer trẻ
Ông Bạch Cường Khang, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam nhận định, golf là một trong những môn thể thao đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc phát triển golfer trẻ vẫn còn gặp phải không ít thách thức. Để golf trở thành một môn thể thao phổ biến và thu hút nhiều thế hệ trẻ tham gia, chúng ta cần xây dựng và phát triển một hệ thống nền tảng vững chắc, từ việc đào tạo tài năng trẻ cho đến nâng cao nhận thức về môn thể thao này trong cộng đồng.
Theo ông Bạch Cường Khang, golf không chỉ là môn thể thao giúp rèn luyện thể chất, mà còn giúp phát triển kỹ năng tư duy, sự kiên nhẫn, kỷ luật và khả năng làm việc dưới áp lực. Đặc biệt, đối với trẻ em, việc tham gia golf từ sớm có thể giúp các em hình thành những thói quen tốt như sự tập trung, kiên trì và có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Thực tế, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, golf đã trở thành môn thể thao phổ biến trong các trường học và trong cộng đồng trẻ. Các quốc gia này đã thành công trong việc phát triển các hệ thống đào tạo chuyên sâu cho trẻ em, và nhiều tài năng golf đã được phát hiện, phát triển từ rất sớm. Điều này cho thấy việc phát triển golfer trẻ có thể giúp tạo ra những vận động viên tài năng cho đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của quốc gia trong các đấu trường quốc tế.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, golf vẫn còn là một môn thể thao khá xa lạ đối với phần lớn người dân, đặc biệt là ở lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ của các sân golf cao cấp và sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với môn thể thao này, nhưng số lượng các em nhỏ tham gia golf vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân do chi phí đầu tư cao, trang thiết bị đắt tiền như gậy golf, bóng golf và đặc biệt là chi phí sân bãi. Điều này khiến cho nhiều gia đình không thể đầu tư cho con em mình tham gia golf từ sớm...
Theo ông Bạch Cường Khang, để phát triển golfer trẻ tại Việt Nam, cần có sự đồng bộ từ nhiều yếu tố, bao gồm cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ, nhận thức cộng đồng và chất lượng đào tạo. Trong đó tập trung một số giải pháp cụ thể như: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng; giảm thiểu chi phí tham gia; phát triển chương trình giáo dục golf trong trường học; các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền...
Đồng thời, cần thay đổi cách nhìn nhận về môn thể thao này trong cộng đồng, không chỉ là môn thể thao dành cho người giàu mà còn là một công cụ hữu ích để rèn luyện các kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống đào tạo chuyên nghiệp.
“Các giải pháp phát triển golfer trẻ cần được thực hiện đồng bộ từ chính sách, hạ tầng, đào tạo đến thay đổi nhận thức cộng đồng. Khi đó, golf sẽ không chỉ là môn thể thao của những người có điều kiện mà sẽ trở thành một môn thể thao phát triển mạnh mẽ và bền vững tại Việt Nam”, ông Bạch Cường Khang nhận định.
Ban Tổ chức Lễ hội Golf Việt Nam - Nha Trang 2024 chân thành cảm ơn sự đồng hành quý báu của Nhà tài trợ bạch kim Nam A Bank cùng các nhà tài trợ đồng hành: Đôi Dép, Duy Trang Group, FORD Nha Trang, Vietjet Air, Carlsberg, Khách sạn Galina, Golf Group, Havana Nha Trang Hotel, Vinpearl Golf, KN Golf Links, Fiditour, Nhà hát Đó, Hoàng Gia Pearl, Lis Spa, Best Western Premium, Tictours Travel, Go Green, Care:nel, An Khang Media, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty May Nhà Bè, LoonEyes Studio, nhà tài trợ vận chuyển Lucky Boss, đơn vị vận chuyển Khang Thịnh; sự đồng hành chuyên môn của Hiệp hội Golf Việt Nam, VG Events và đồng hành đại sứ của Unimedia…
Hội golf địa phương trong phát triển golf phong trào
Bà Nguyễn Vân Anh, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Golf TPHCM đã có những chia sẻ về Hội golf địa phương trong phát triển golf phong trào.
Theo bà Vân Anh, Hội golf TPHCM (HGA) là một trong những hội golf đi đầu cả nước về phát triển phong trào golf từ các thành viên cá nhân đến hội viên câu lạc bộ. Bên cạnh đó, HGA cũng là hội golf có số lượng giải đấu truyền thống thường niên được xây dựng bài bản nhất. Đâu là yếu tố quan trọng cốt lõi để duy trì những nền tảng trên. Những thách thức và điều kiện để giúp Hội golf TPHCM có thể phát huy thế mạnh của địa phương cũng như kết nối - lan tỏa tinh thần golf đến cộng đồng khu vực phía Nam và cả nước nói chung.
Cũng theo bà Nguyễn Vân Anh, Hội golf TPHCM tiền thân là CLB golf Sài Gòn được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1997, đến năm 2005, Hội golf TPHCM chính thức được thành lập và cũng là hội golf đầu tiên trên cả nước. Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên của HGA hiện là Chủ tịch Hiệp hội golf Việt Nam.
Khi Golf được xem là môn thể thao có tính chất “thượng lưu”, không mang lại lợi ích cho xã hội thì Swing for Life là giải golf từ thiện đầu tiên được tổ chức vào năm 1999 đã nói lên truyền thống cao đẹp của cộng đồng golf miền Nam hướng đến những điều giá trị trong cuộc sống.
Năm 2007, Giải Golf Gala dành riêng cho Hội viên và gia đình với mục đích Golf & Du lịch được tổ chức vào dịp cuối năm tại các sân golf xa thành phố. Từ năm 2011, nhận thấy cần tạo sân chơi cho sự phát triển gôn nữ và golf trẻ trên địa bàn TPHCM, CLB golf nữ Sài Gòn và CLB golf trẻ Sài Gòn trực thuộc Hội ra đời. Từ đó, các giải đấu thường niên của Hội luôn chú trọng đến đối tượng tham gia là golf nữ và golf trẻ.
Năm 2015, Giải golf vô địch TPHCM mở rộng đánh dấu sự khởi đầu cho golf thành tích tại miền Nam, là sân đấu thể hiện tài năng của golfer nghiệp dư và chuyên nghiệp trong khu vực. Từ giải đấu này, Hội đã tìm ra vận động viên ưu tú đóng góp nhiều thành tích trong các giải đấu quốc gia. Năm 2021, Giải Single miền Nam được tổ chức mang màu sắc rất riêng, nơi của những golf thủ kỳ cựu được tôn vinh giá trị đóng góp cho sự phát triển cộng đồng, làm nguồn cảm hứng để lớp kế thừa tiếp nối và học hỏi.
Những năm gần đây, số lượng sân golf tăng nhanh trên cả nước, đi cùng sự phát triển sân golf là các dịch vụ tiện tích như F&B, thời trang, dụng cụ, tổ chức sự kiện và đặc biệt là Vhandicap – công cụ tính điểm chấp tiện dụng, dễ dàng tiếp cận, tạo tính hợp lý… đã kích cầu phát triển người chơi golf, phát triển CLB golf và các giải đấu phong trào nở rộ. Giải golf vô địch các CLB TPHCM mở rộng cũng là tiền đề phát triển golf đồng đội, nhằm tìm hiểu và kết nối...
Bà Vân Anh cũng chia sẻ thêm rằng, tuy cộng đồng golf ngày càng phát triển nhưng miền Nam vẫn chịu sự hạn chế về số lượng sân golf, các chính sách ưu đãi dành cho hội viên và các giải đấu của Hội đều khó tiếp cận. Do đó, Hội đã kết nối, truyền đạt và thuyết phục CLB trở thành hội viên tổ chức, nâng cao vai trò của CLB trong việc đồng hành cùng Hội thực hiện tất cả các hoạt động nhằm phát huy giá trị giải đấu, giúp Hội chuyển tải thông điệp tích cực đến cộng đồng, rèn luyện sức khỏe, kỹ thuật chơi golf, luật golf, đề cao văn hóa ứng xử và trách nhiệm của golf với cộng đồng. Với hệ thống giải đấu uy tín, sự đoàn kết nội bộ, sự quan tâm từ cơ quan chủ quản, Hiệp hội golf Việt Nam, các nhà tài trợ, các đơn vị tổ chức sự kiện và truyền thông là động lực giúp HGA phát huy vai trò kết nối – lan tỏa tinh thần golf miền Nam tạo nên giá trị xã hội, gắn kết lợi ích hài hòa giữa các tổ chức và phát triển bền vững.
Việt Nam cần bao nhiêu sân golf là đủ?
Tại hội thảo, ông Nguyễn Nam Giang, sáng lập viên của MXH GolfEdit, The Golfers, bình luận viên kênh On Golf, đặt vấn đề, Việt Nam cần bao nhiêu sân golf là đủ? Những rào cản thực tế và chiến lược phát triển golf của Việt Nam như thế nào là phù hợp?
Theo ông Nguyễn Nam Giang, Việt Nam hiện tại có 66 sân golf, trong đó có những sân golf tổ hợp gồm 27-36 và 54 hố đấu như Đồng Mô, Phoenix Hòa Bình, SkyLake, Long Thành, Tân Sơn Nhất.
Động lực khiến các sân golf tại Việt Nam liên tục được quy hoạch, phát triển trong thời gian qua là xuất phát từ Nghị định số 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, việc kinh doanh sân golf đã được quy định là ngành kinh doanh có điều kiện và các tỉnh sẽ được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, thay vì đi theo định hướng quy hoạch quốc gia như trước đây. Từ đây đã tạo nên một cú huých lớn cho sự mạnh dạn kêu gọi đầu tư sân golf từ chính quyền địa phương, cơ hội để bứt phá và làm sáng kinh tế vùng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Giang, dù đã có chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc để kích thích đầu tư, quy hoạch sân golf, nhưng vẫn còn nhiều điều phải bàn. Hiện nay, số lượng sân golf ở Việt Nam so với nhiều quốc gia trong khu vực vẫn còn ít, trong khi số lượng người chơi golf đang phân bổ không đều, chỗ thì quá đông, chỗ thì không có nhiều người chơi. Do vậy việc cấp quy hoạch sân golf ở những vùng quá xa trung tâm thành phố lớn, hay nơi người dân có thu nhập trung bình thấp,… thì thực sự là một ngành đầu tư vẫn đầy rủi ro. Trong khi đó, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 30-40 sân golf mới đi vào hoạt động, nâng tổng số sân gofl cả nước lên khoảng 99-110 sân.
“Từ câu chuyện của một số quốc gia từng phát triển nóng môn thể thao golf, nhưng sau đó không hoạt động hiệu quả, theo quan điểm của tôi thì ngành công nghiệp golf của Việt Nam không cần phải đi tắt đón đầu, chạy đua về mặt số lượng, mà cần có chiến lược phát triển bền vững. Trong đó, một hướng phát triển mới trong xây dựng sân golf của các chủ đầu tư ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai đó chính là phát triển xanh. Đây là một tầm nhìn dài hạn không chỉ vì kinh doanh lợi nhuận trước mắt mà còn vì môi trường, vì giá trị để lại cho thế hệ sau này”, ông Nguyễn Nam Giang chia sẻ.
Để golf trở thành môn thể thao thông thường
Để môn thể thao golf phát triển thì tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Nam Á Bank, trong khoảng 14 năm qua, số người chơi golf của Việt Nam có sự phát triển thần tốc, với trên 100.000 người tham gia. Thời gian qua, Nam Á Bank đang kết hợp với các đối tác để tài trợ và phát triển môn thể thao golf.
“Định hướng của chúng tôi trong thời gian tới là tập trung tài trợ, tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp để nâng tầm golf của Việt Nam lên. Cùng với đó, Nam Á Bank sẽ tập trung tài trợ định kỳ cho các giải golf ở phân khúc trung niên, phụ nữ,… nhằm tạo ra sân chơi, rèn luyện sức khỏe và nâng cao trình độ. Đặc biệt, Nam Á Bank đang quan tâm tài trợ, đào tạo thế hệ golf trẻ, nhằm phát hiện những tài năng về golf để đào tạo và phát triển. Từ đó góp phần để golf trở thành môn xã hội hóa, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận như một môn thể thao thông thường”, ông Trần Thanh Tùng, chia sẻ.
Cần phát triển du lịch golf
Ông Phạm Hùng Vĩnh, Giám đốc chiến lược toàn cầu thương hiệu Đôi Dép nhìn nhận, hiện nay, golf có dung lượng thị trường lớn với tiềm năng tăng trưởng cao, được xem là thế mạnh của ngành kinh tế du lịch xanh, thu hút khách hạng sang của thế giới. Đối tượng chơi golf sẵn sàng chi tiêu cao, kích thích nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài ra, golf là 1 trong những chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trong đó, hiện nay Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế nhờ có có tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực phong phú, Khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho hoạt động golf quanh năm. Hiện nay, Việt Nam là điểm đến của golf tốt nhất nhất thế giới trong những năm 2020, 2021,2022. Ngoài ra hiện nay, Việt Nam cũng rất gần thị trường golf phát triển, có cự ly bay lý tưởng (Nhật Bản, Hàn Quốc...).
Theo ông Vĩnh, hiện nay để du lịch golf Việt phát triển cần đẩy mạnh công tác truyền thông để hiểu golf là môn thể thao và là ngành kinh tế để các bên tham gia sâu. Ngoài ra cần chính sách hỗ trợ riêng để thúc đẩy ngành kinh tế trong đó có du lịch golf ví dụ như thuế thu nhập đặc biệt...