LTS: Thất bại trước Thái Lan ở cả 2 lượt trận vòng loại World Cup 2018 là khẳng định sự tụt hậu quá xa của bóng đá Việt Nam. Câu hỏi cấp thiết hiện nay không phải là “bao giờ mới thắng được Thái Lan” mà là “khi nào bóng đá Việt mới tiến gần đến đắng cấp của Thái Lan”. Hỏi như vậy để thấy trách nhiệm của VFF.
Người hâm mộ Việt tiếp tục “mơ” một chiến thắng trước đội bóng Thái. Ảnh: Minh Hoàng
1. Trong 20 năm qua, tính từ trận chung kết SEA Games 1995 đến nay, Việt Nam và Thái Lan đã đối đầu hơn 20 trận và thực tế chúng ta chỉ thắng đúng 2 lần tại các giải chính thức, thua đến 14. Vì vậy, nếu đặt ra giả thuyết ngay ngày hôm sau trận thua 0-3, có tổ chức đá lại thì không ai dám tin vào một chiến thắng của Việt Nam?! Một đội bóng mà cứ gặp là thua thì chuyện quá bình thường. Thế mới nói, thất bại 0-3 thật ra chẳng có ý nghĩa gì cả. Thầy trò HLV Miura có thua không? Xin thưa: không. Bởi kết quả đó là đương nhiên.
Kế đến, nói về vấn đề tâm lý. Khi Thái Lan gặp Việt Nam, họ chỉ nghĩ đến chuyện làm sao đừng để xảy ra chuyện không thắng. Đấy là trạng thái của kẻ mạnh hơn. Ngược lại, cứ mỗi khi gặp Thái, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực mới tìm ra một chút hy vọng tạo ra bất ngờ. Về mặt khoa học, chúng ta không có cơ sở nào để chiến thắng. Còn chuyện niềm tin, đó chỉ là tiếng nói cảm tính của một con người Việt, tương tự như người Thái Lan tin đội bóng của họ, không thể xem là cơ sở để so sánh.
Trôi ngược một chút về ngay thời điểm mà bóng đá Việt Nam được xem là mạnh nhất, tức giai đoạn V-League 2005-2008. Khi các cầu thủ Thái Lan (chủ yếu là những tuyển thủ quốc gia) ồ ạt kéo sang Việt Nam đá bóng, đa số chúng ta đều hả hê về cái gọi là “sức hấp dẫn của V-League” nhưng không ai đặt vấn đề ngược: tại sao Thái Lan “xuất khẩu” cầu thủ dễ dàng trong khi Việt Nam tính đến nay, mới đúng 2 người. Xin nhớ rằng, Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh là 2 cầu thủ Việt Nam mà Kistisak nể nhất.
Tóm lại, từ trước đến nay, chưa có khi nào bóng đá Việt Nam đạt đến đẳng cấp của Thái Lan, trên mọi phương diện, kể cả những điều nằm ngoài giáo khoa bóng đá như đam mê, tinh thần dân tộc…
2. Nếu chúng ta chấp nhận thua kém người Thái về đẳng cấp thì cũng cần công bằng, nền bóng đá của chúng ta nhỏ hơn họ. Ở đây, cũng chẳng có chuyện thắng - thua nào cả, đơn giản chỉ là hơn - kém.
Nhưng VFF thì thua trắng trước LĐBĐ Thái Lan (FAT). Bởi chúng ta không thể trong ngày một - ngày hai thay đổi 1 đội tuyển, 1 giải đấu hay cả nền bóng đá nhưng hoàn toàn có thể thay đổi một liên đoàn, một tư duy, một tầm nhìn chiến lược nếu có đủ quyết tâm, lòng dũng cảm và đặc biệt là sự hy sinh. Tại sao VFF đang có một phó chủ tịch như bầu Đức nhưng lại bói không ra tiền để tổ chức các trận giao hữu tầm cỡ cho đội tuyển? Tại sao FAT sẵn sàng treo thưởng cho đội tuyển trong khi VFF không thể hoặc tệ hơn, có tiền lại không dám treo thưởng?! Vận động mãi mới có một doanh nhân “ngàn tỷ” tham gia liên đoàn, vậy mà chẳng thể “sử dụng” được nguồn lực có sẵn, đó là thất bại. Có tiền nhưng không dám treo thưởng vì “sợ cầu thủ chủ quan”, là thất bại còn thảm hại hơn nhiều vì nó cho thấy năng lực quản lý kém cỏi, thái độ thiếu tự tin đến mức bạc nhược của VFF.
Một khía cạnh khác: Chuyện VFF không thể vận động được một chính trị gia tầm cỡ làm chủ tịch cũng không sao cả. Thế nhưng, VFF khóa sau làm việc kém hơn khóa trước dù đã “xã hội hóa cao độ”, là vấn đề. Một ông chủ tịch vốn là lãnh đạo cao cấp nhất của ngân hàng lớn nhưng không quản trị nổi bộ máy vài chục con người ở VFF, là vấn đề. Một tổng thư ký buộc phải bỏ ghế vì thiếu trách nhiệm nhưng sau đó lại “vọt” lên làm phó chủ tịch và ngồi cùng lúc hơn chục cái ghế, là vấn đề. Một đất nước có đến 63 tỉnh, thành nhưng chỉ có khoảng 20 đội bóng được xem là chuyên nghiệp, có 50% dân số trẻ tuổi thế nhưng chỉ có vài ba lò đào tạo tư nhân mỗi năm đưa ra vài chục cầu thủ trẻ, đó là một dấu hỏi rất lớn cho năng lực điều hành cũng như trình độ quản lý, định hướng phát triển của tổ chức đứng đầu nền bóng đá.
Có nguồn lực mà không biết sử dụng. Có công cụ mà không thể phát huy. Có tiềm năng mà loay hoay giải quyết phần ngọn, đó đều là những biểu hiện của một sự kém cỏi về năng lực lãnh đạo.
HỒ VIỆT
Thói quen rất xấu: đổ thừa
Sau một thất bại của đội tuyển quốc gia, thường thì vẫn có một lời giải thích. Tuy nhiên, nếu như các chuyên gia ngoại, những người làm thuê giải thích theo hướng gợi mở, góp ý những thứ căn bản thì tổ chức đứng đầu bóng đá Việt VFF lại thích soi mói vào những tiểu tiết.
Ví dụ, khi đội tuyển đang chơi thành công ở Asian Cup 2007, HLV Riedl vẫn phải thở dài “bóng đá Việt khó tiến thêm vì chúng ta… lùn quá”. Đó vừa là một cách bào chữa nhưng nó nói về thực trạng thể lực chúng ta kém, không bù nổi cho thể hình. Hoặc khi Calisto bất ngờ rời chiếc ghế HLV để sang Thái Lan làm việc, ông ta đã ám chỉ sự thiếu tầm nhìn của VFF khiến đội tuyển đạt đến giới hạn, không còn động lực để phát triển bởi mục tiêu từ trước đến nay của VFF vẫn là: đến SEA Games thì ráng kiếm HCV, đến AFF Cup thì ráng vào chung kết, hoàn toàn không thấy ai nói đến chuyện vươn tầm châu Á.
Khác với các chuyên gia, VFF lại “đổ thừa” một cách rất… nguyên nghiệp. SEA Games 2011 là thời điểm mà bóng đá Việt Nam đang gặp cuộc khủng hoảng lớn tại V-League, thế nhưng HLV F.Goetz là vật tế thần dù đây là nhà cầm quân có đẳng cấp cao nhất bóng đá Việt từng có. Vì đổ thừa như vậy, nên sau đó các đội tuyển tiếp tục thất bại ở AFF Cup 2012 và SEA Games 2013. Nhưng thay vì nhìn thấy sự tụt hậu có tính liên tục đó, VFF lại tập trung vào bảng “danh sách đen” hay chuyện “bụt nhà không thiêng” vì dùng HLV nội. Thực tế thì thành tích của HLV Miura không hề tốt hơn những gì mà ông Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc đã làm, chưa kể nhân sự dưới thời Miura là “quân” của ông Hùng, ông Phúc gầy dựng.
HLV F.Goetz là vật tế thần sau thất bại tại SEA Games 2011. Ảnh: Dũng Phương
Trong 20 năm qua, dù trải qua không ít lần thất bại của các đội tuyển nhưng số quan chức cao cấp của VFF từ chức để nhận trách nhiệm chỉ mới có đúng 2 người. Tuy nhiên, cả ông Lê Thế Thọ (khóa 5) và ông Phạm Ngọc Viễn (khóa 4) đều từ chức ở những vấn đề khác chứ không liên quan đến chuyên môn. Ông Trần Quốc Tuấn rời ghế Tổng thư ký sau SEA Games 2011 chỉ là “ngưng công tác”. Sự “bình chân như vại” ấy của VFF, một tổ chức xã hội nghề nghiệp, xuất phát từ tư tưởng “đổ thừa” thay vì nhận trách nhiệm.
Việt Long