Mặc dù cũng muốn cho cầu thủ mình được xuất ngoại, nhưng phía CLB Hà Nội cẩn thận từ chối bằng cách yêu cầu phía đội bóng Áo phải chuyển nhượng thẳng 250.000 USD chứ không cho mượn.
Cẩn thận như vậy cũng không thừa. Về lý thuyết, trình độ của cầu thủ Việt Nam đủ sức chơi bóng ở nước ngoài nhưng có hòa nhập và thành công được hay không, lại không đơn giản. Cầu thủ một khi đã xuất ngoại thành công thì sau đó tương lai rộng mở cho cả anh ta lẫn bóng đá nước nhà; và ngược lại. Nói cách khác, đi thì dễ, về theo kiểu gì mới đáng nói.
Lấy trường hợp của Công Phượng. Với việc ra sân cho Sint-Truiden (Bỉ), sau Mito Hollyhock (J-League 2), Incheon United (K-League), Công Phượng đã trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở 3 quốc gia. Nhưng như thế đã được xem là thành công chưa khi số lần ra sân của Công Phượng có xu hướng ngày càng ít đi, điều này khiến cho cơ hội phát triển sự nghiệp bị tổn hại ngiêm trọng.
Công Phượng không phải là người đầu tiên chơi bóng ở châu Âu. Năm 2009, Công Vinh có hợp đồng 3 tháng đá cho Leixoeis ở Bồ Đào Nha thông qua sự môi giới của HLV Calisto. Sau đó Công Vinh còn sang Nhật Bản đá ở J-League 2 nhưng rồi không ai nói thêm về chuyện “xuất khẩu cầu thủ” nữa. Mãi đến sau này, khi ra mắt cuốn tự truyện của mình, Công Vinh mới nói về những rào cản của cầu thủ Việt, khó thành công tại nước ngoài.
Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước. Với những gì mà bóng đá Việt Nam đã có hiện nay, nhiều người lại hy vọng sẽ có người làm tốt hơn Công Vinh, đặc biệt là sau khi Chanathip của Thái Lan được đánh giá thành công tại J-League 1. Các chuyến đi của Tuấn Anh, Công Phượng (sang Nhật) và Xuân Trường (Hàn Quốc) hồi năm 2015 có thể xem là những thử nghiệm mới. Chúng ta đều biết, được ra nước ngoài thi đấu thì kiểu gì cũng có lợi ích. Tuy nhiên, để thật sự tạo nên một “làn sóng” mới, tạo ra cú hích đặc biệt về đẳng cấp cho bóng đá Việt Nam, thì cần phải có một trường hợp điển hình như Công Phượng.
Thay vì ủng hộ quá mức hoặc chê bai cực đoan, chúng ta cần đánh giá hành trình của Công Phượng tại châu Âu theo góc độ tích cực hơn. Hãy xem đó là “phép thử” cuối cùng cho cầu thủ Việt.
Nếu đến hết tháng 1-2020, khi hợp đồng cho Sint-Truiden mượn kết thúc mà Công Phượng không có thêm hợp đồng nào khác, như vậy là tròn 10 năm tìm kiếm bản thân, bóng đá Việt Nam cần phải chấp nhận sự thật về giấc mơ cầu thủ Việt thành công tại nước ngoài. Thật khó có cầu thủ nào còn đủ tự tin để ra đi.
Nhưng nếu Công Phượng có thể chơi nhiều trận hơn Công Vinh năm 2009, có duyên may ghi bàn, thì đó thực sự là điều khích lệ rất lớn, không phải chỉ cho Công Phượng. Rất nhiều doanh nghiệp châu Á đang đầu tư vào bóng đá châu Âu, họ có xu hướng sử dụng cầu thủ từ lục địa vàng nhằm quảng bá thương hiệu cũng như thể hiện niềm tự hào về sự nỗ lực của người Á châu. Nghĩa là chỉ cần Phượng chơi tốt, anh sẽ chẳng còn lo về khả năng ra sân thường xuyên. Và quan trọng hơn, nhiều đồng đội của anh ở Việt Nam cũng đang chờ đợi tín hiệu tươi sáng ấy.