> Vì sao Huỳnh Thị Mỹ Tiên về nhất nhưng không được tính thành tích huy chương vô địch quốc gia?
Năm 2015, Liên đoàn điền kinh Việt Nam từng ban hành quy định để hướng dẫn thủ tục chuyển đổi, cấp mới, gia hạn thẻ VĐV điền kinh tới các đơn vị trong cả nước. Ở quy định trên của Liên đoàn, một trong những điều được chú ý là: “từ ngày 1-1-2016, các VĐV trước đây đã thi đấu cho một đơn vị, nay chuyển sang thi đấu cho một đơn vị khác thì phải đảm bảo thời gian chuyển nhượng đủ 24 tháng mới được coi là hợp lệ sau thời điểm 24 tháng mới được thi đấu cho đơn vị mới. Sau khi hết hạn, các đơn vị cần có công văn xin gia hạn thẻ cho VĐV”. Thẻ VĐV được quy định có giá trị thời hạn trong 2 năm theo luật điền kinh hiện hành.
Theo Luật thể thao đã quy định cụ thể ở điều 45 về Quyền và nghĩa vụ của VĐV chuyên nghiệp đó là “VĐV chuyên nghiệp phải ký hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Quyền và nghĩa vụ của VĐV chuyên nghiệp được thực hiện theo hợp đồng lao động đã ký với các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Hợp đồng lao động ký giữa VĐV chuyên nghiệp với câu lạc bộ chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và phù hợp với quy định của tổ chức thể thao quốc tế tương ứng”.
Đại diện Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã lý giải, việc ban hành quy định trên của điền kinh Việt Nam đã tham khảo từ cách làm của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) trong việc chuyển nhượng VĐV quốc tế. Đồng thời, khi thực hiện quy định để thấy các điểm phù hợp bởi, đứng trên góc độ một VĐV cụ thể có thể có chút thiệt thòi nhưng lại giúp cho hệ thống tuyển chọn, đào tạo của điền kinh Việt Nam được bền vững. Liên đoàn điền kinh Việt Nam làm việc chặt chẽ để không xảy ra tình trạng có thể một đơn vị phải bỏ đi nội dung do mất quân hay các đơn vị dễ phối hợp để trao đổi lực lượng nhằm đạt các kết quả huy chương ở các giải quan trọng trong nước như Đại hội thể thao toàn quốc.
Quy định có thể hiểu, sau khi chuyển tới đơn vị mới, VĐV không được tính thành tích kết quả thi đấu trong các giải thuộc hệ thống quốc gia xuyên suốt 24 tháng. Điều này phần nào ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập, tâm lý và kết quả của bản thân VĐV.
Trao đổi ngày 13-3, Phó Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Đông Nam Á đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết “chúng tôi sẽ làm việc với các thành viên Ban chấp hành Liên đoàn trong tháng 3 này để tiếp tục thảo luận, lấy các ý kiến với vấn đề thời gian cấm 24 tháng như quy định đã ban hành. Việc thay đổi có thể sẽ thực hiện ngay khi có quyết định cuối cùng. Sớm nhất là ngay trong tháng 3 sẽ có thông báo cụ thể vấn đề trên”. Cục TDTT đã có ý kiến tới Liên đoàn điền kinh Việt Nam xem xét thay đổi quy định trên để quyền lợi của VĐV không bị ảnh hưởng.
Cuối năm 2023, vấn đề cần thay đổi thế nào về thời gian cấm 24 tháng sau khi chuyển nhượng của VĐV được đưa ra tại cuộc họp ban chấp hành Liên đoàn điền kinh Việt Nam nhưng không có thay đổi nào.