Tất cả cùng vui
Khép lại SEA Games 31, đội tuyển điền kinh Việt Nam xếp nhất với 22 HCV, 14 HCB và 8 HCĐ. Những con người được kết quả HCV là Lương Đức Phước, Nguyễn Văn Lai, Lê Tiến Long, Hoàng Nguyên Thanh, Võ Xuân Vĩnh, Nguyễn Tiến Trọng, Nguyễn Hoài Văn, Nguyễn Thị Huyền, Khuất Phương Anh, Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Hồng Lệ, Bùi Thị Nguyên, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng, Phạm Thị Diễm, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Lò Thị Hoàng, Nguyễn Linh Na, Vũ Thị Ngọc Hà
Trong khi đó nhóm giành HCB và HCĐ có Ngần Ngọc Nghĩa, Lê Ngọc Phúc, Trần Văn Đảng, Quách Công Lịch, Đỗ Quốc Luật, Trần Sơn Đỉnh, Trần Nhật Hoàng, Phạm Thị Hồng Lệ, Khuất Phương Anh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hương, Lê Thị Mộng Tuyền, Hà Thị Thu, Dương Thị Hoa, Hoàng Dư Ý, Bùi Thị Thu Thảo, Vũ Thị Ngọc Hà, Phạm Quỳnh Giang, Hoàng Thị Ngọc Hoa, Trần Văn Điển, Vũ Đức Anh, Nguyễn Thành Ngưng, Lê Văn Thao.
Chúng ta đã đăng ký 65 tuyển thủ điền kinh tại SEA Games 31 và với kết quả đã đạt được sau thi đấu thì tỉ lệ thành công tương đối cao. Dĩ nhiên, trong số này, điền kinh Việt Nam vẫn có trường hợp Lê Tú Chinh không thể thi đấu vào phút chót vì chấn thương nhưng chắc chắn, đội tuyển điền kinh là một tập thể nên cô vẫn có tên để chung vui với tất cả thành tích của đồng đội.
Ngoài ra, trong 65 tuyển thủ, đã dự SEA Games 31, chúng ta có những cái tên không đạt được kết quả huy chương như Lò Thị Thanh, Bùi Văn Sự, Huỳnh Thị Mỹ Tiên, Lương Minh Sang, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Quốc Anh, Phan Thanh Bình, Đinh Thị Bích, Giang Văn Dũng, Nguyễn Đình Vũ, Lê Quyền Lợi, Trịnh Việt Tú, Vũ Quốc Anh, Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Thu Trang... cùng một số tuyển thủ nằm ở đội hình dự bị không ra thi đấu.
Tuy vậy, sự thi đấu của họ cũng thể hiện nỗ lực bản thân nhưng chỉ tiếc rằng một chút may mắn không tới. Với quỹ thưởng của Liên đoàn điền kinh dành cho tập thể đội tuyển, từng người sẽ được những phần quà dựa trên thành tích thi đấu của mình.
Còn nhiều việc phải làm
22 tấm HCV và xếp nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 là sự thành công về con số huy chương. Tuy thế, các chỉ số về thành tích chuyên môn chưa thật sự cao nhất. Trong sự thành công ấy, chúng ta vẫn có một số điều chưa tốt, minh chứng là thành tích HCB của tuyển thủ Lò Thị Thanh (10.000m nữ) bị hội đồng trọng tài hủy kết quả do sử dụng giầy chạy sai quy chuẩn. Hay thất bại ở việc giành tấm HCV nội dung tiếp sức 4x400m hỗn hợp nam nữ của đội tuyển điền kinh chủ nhà cùng sự vắng mặt ngay sát thời điểm SEA Games 31 tranh tài của Lê Tú Chinh do chấn thương.
Năm sau, điền kinh Việt Nam chắc chắn bận rộn hơn bởi chúng ta tham dự các giải đấu có tính chuẩn để tìm cơ hội dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Chưa kể, SEA Games 32-2023 tại Campuchia cũng là một cuộc đấu có thể nằm trong chương trình có xét chuẩn Olympic vì vậy tính chất ganh đua sẽ rất quyết liệt.
“Các tổ nhóm chuyên môn đều có sự rà soát lại về lực lượng sau SEA Games 31 để có những chuẩn bị hiệu quả hơn. Các tuyển thủ đang ở đội tuyển quốc gia là những người mạnh nhất trong nội dung của mình nhưng để đạt tới các kết quả của châu Á thì vẫn phải nỗ lực hơn”, phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Tính chất chuyên môn được tất cả tuyển thủ chú ý nhất sau SEA Games 31 không ngoài chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc 2022, thi đấu cuối năm nay nên một khi mục tiêu được xác định thì từng tuyển thủ phải tự ý thức tập luyện chứ không thể chờ đợi ở bất kỳ ai.