Điểm tựa duy nhất

Khi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên khuấy đảo đường đua xanh quốc tế, từ SEA Games đến các sân chơi khu vực, châu lục hay thế giới, người ta bỗng vô tình quên mất bên cạnh cô còn có rất nhiều tuyển thủ quốc gia khác nữa.

Đấy là điều tương tự xảy ra ở đội tuyển cầu lông trong suốt thập niên qua, vì Nguyễn Tiến Minh là người được nhắc đến nhiều hơn bất cứ tay vợt nào trong lịch sử. Lý Hoàng Nam hay Hoàng Xuân Vinh cũng đều nằm trong số những VĐV được xếp vào diện “điểm tựa duy nhất” ở môn thể thao sở trường của mình.

Mẫu số chung cho các trường hợp kể trên là gì? Chắc chắn đấy chính là bộ sưu tập thành tích quốc tế, danh tiếng mà họ mang về cho bơi lội, cầu lông và quần vợt nước nhà. Sự xuất hiện của những tài năng đặc biệt nói trên, rất chính xác như nhận xét của cựu Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh, “đã tạo ra nguồn cảm hứng chiến thắng vô tận cho thể thao nước nhà”.

Trên thực tế, không phải do dư luận, giới truyền thông, người làm chuyên môn quên sự hiện diện của nhiều VĐV, tuyển thủ quốc gia khác, mà bởi lẽ những Ánh Viên, Tiến Minh, Hoàng Nam hay Xuân Vinh quá nổi trội, gần như gánh vác trọng trách tìm kiếm huy chương cho bơi lội, cầu lông, quần vợt và bắn súng nước nhà suốt thời gian qua. Vắng những gương mặt xuất chúng này ở các cuộc tranh tài, cũng đồng nghĩa với việc thể thao Việt Nam chấp nhận “đói” thành tích, hoặc không còn khiến VĐV nước bạn ngán ngại khi bước vào cuộc đua tài.

Khi đã trở thành người quan trọng thì dĩ nhiên các ngôi sao thể thao kể trên được quan tâm hơn đồng nghiệp là điều dễ hiểu, dù không một ai phủ nhận vai trò và những đóng góp của các tuyển thủ quốc gia khác cho sự phát triển chung của thể thao Việt Nam.

Vậy điểm tựa của chính những ngôi sao hàng đầu ấy là gì? Có lẽ đó là tổng hòa của tài năng, sự khổ luyện, ý chí phấn đấu, tinh thần chuyên nghiệp và quan trọng hơn là đức hy sinh bản thân vì đại cuộc. Nếu Ánh Viên không chấp nhận sống xa nhà từ nhỏ, để dồn hết tâm huyết cho những chuyến đi và thi đấu ở châu Á, châu Âu hay xứ cờ hoa… sẽ chẳng có một siêu kình ngư dữ dội của hôm nay. Nếu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không kiên trì, sẵn sàng vươn vai đứng dậy sau vấp ngã, thể thao Việt Nam sẽ chẳng có người hùng Olympic bây giờ.

Những nhà quản lý ngành TDTT và dư luận thường đòi hỏi rất nhiều ở các VĐV tài năng, muốn họ chiến thắng mọi lúc, mọi nơi mà đôi khi chưa thấu hiểu chính những VĐV thể thao chuyên nghiệp cũng có giới hạn nhất định về thành tích. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng tâm sự rằng thua cuộc ở 1 giải đấu có thể khiến người khác nhìn vào và thấy thất vọng tạm thời, nhưng bản thân VĐV nếu không loại bỏ ngay điều đó khỏi đầu để chỉnh thước ngắm cho mục tiêu mới ở tương lai, đấy mới là thua cuộc thực sự.

Tin cùng chuyên mục