“Điểm rơi”

1. Trong bóng đá, nhất là ở các giải đấu tập trung, luôn có khái niệm “điểm rơi” được xem như yếu tố có ý nghĩa quyết định đến khả năng đi xa của mọi đội bóng. Đại loại, một đội bóng mạnh thì “điểm rơi” sẽ được chọn bắt đầu từ những trận đấu ở vòng knock-out, tức là phong độ cầu thủ sẽ được tính toán tốt nhất trong khoảng chừng 10-15 ngày bởi về nguyên tắc, khó có ai duy trì năng lực tốt nhất suốt một tháng trời (thời gian quen thuộc của một giải đấu quốc tế). Vì thế mà có những đội bóng hàng đầu thế giới, nhất là các đội thiên về lối chơi khoa học, thực dụng, thường thì khởi đầu chậm và tăng tốc mạnh vào giai đoạn sau.

Cần lưu ý, số lượng trận đấu vòng knock-out của AFF Cup nhiều hơn vòng bảng, lại diễn ra theo thể lực 2 lượt, thế nên cần phải có sự tính toán của những nhà cầm quân. Thể thức này thuộc dạng “quái dị” của bóng đá thế giới, nên không lạ khi mà Singapore, đội bóng có cách chơi đơn giản, thực dụng lại sánh ngang với Thái Lan về số lần vô địch.

HLV Hữu Thắng đang tính toán điểm rơi phong độ cho các cầu thủ của mình ra sao? Ảnh: Dũng Phương

2. Về lý thuyết, với 9 lần vào đến bán kết của 11 kỳ giải AFF Cup thì việc vượt qua vòng bảng là điều mặc nhiên của đội tuyển Việt Nam. Nói cách khác, cuộc chinh phục ngai vàng Đông Nam Á chỉ thực sự bắt đầu từ trận đấu trên sân Indonesia vào ngày 3-12 tới.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là HLV Hữu Thắng tính toán “điểm rơi” cho các cầu thủ của mình ra sao. Có nhiều người đã nói đến tình trạng thể lực không ổn của Việt Nam sau 3 trận đấu vòng bảng. Không có hiện tượng chuột rút, kiệt sức nhưng lại có những dấu hiệu về sức ì, thiếu khả năng rướn ở các thời điểm cần thiết. Có cảm giác cách chơi hiện nay làm cầu thủ tốn sức hoặc cũng có thể họ chưa đến “điểm rơi”.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, mặc dù vào bán kết tương đối thuận lợi nhưng đội tuyển Việt Nam cũng chưa thể hiện được một khía cạnh tích cực nào về chuyên môn. Chúng ta thiếu những đợt tăng tốc khiến đối phương phải “chóng mặt” để tung đòn kết liễu nhưng lại dễ mắc sai lầm trong phòng thủ khi đối thủ thực hiện điều đó. 3 trong số 4 bàn thắng có được sau vòng bảng là kết quả của cá nhân người chuyền, người dứt điểm chứ không phải là kết quả của một khoảng thời gian gây áp lực lên đối phương. Thậm chí, nếu khắt khe thì những lúc mà đội tuyển chơi tốt nhất thì lại chẳng có bàn thắng nào cả.

3. Do trận đấu đầu tiên của vòng bán kết chưa diễn ra nên khó có thể kết luận là Việt Nam đã qua “điểm rơi” hay là chưa đến. Tất nhiên, hy vọng là HLV Hữu Thắng tính toán kỹ khi có ít nhất 2 lần ông nhắc đến yếu tố “điểm rơi” trong thời gian chuẩn bị trước giải. Nhưng cũng phải để ý rằng, đối thủ của chúng ta ở bán kết dường như đang ở “điểm rơi” tốt nhất khi hành trình của họ từ lúc chuẩn bị đến trận thắng Singapore vừa qua đang đi theo lộ trình từ dở đến tốt.

Năm 2008, Việt Nam dưới thời Calisto cũng có lộ trình tương tự trước khi đăng quang.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục