Trận thua của Việt Nam trước Myanmar ở bán kết SEA Games 28 đã làm vỡ ra nhiều điều. Ngay cả khi Việt Nam vượt qua Indonesia với tỷ số đậm để nhận huy chương đồng thì dường như không phải ai cũng cảm thấy hài lòng về kết quả cuối cùng này. Cái ai cũng trông chờ đó là trận chung kết với người Thái…
Điều rõ ràng nhất mà trận thua “nhớ đời” với Myanmar mang lại, đó là phải nhìn nhận bóng đá Thái Lan có một đẳng cấp cách biệt với các nền bóng đá còn lại trong khu vực. Một nền bóng đá mà dù có nhiều biến động ở thượng tầng, dù đá với đội hình chính hay phụ, dù được dẫn dắt bởi huấn luyện viên chính hay trợ lý… đều vẫn thể hiện đẳng cấp vượt trội của mình. Đẳng cấp Thái Lan không chỉ thể hiện qua kết quả trận đấu, mà còn là phong cách chững chạc, thi đấu điềm tĩnh, không phung phí cơ hội. Khẳng định đẳng cấp Thái Lan bởi tất cả các đội còn lại trong khu vực đều gặp phải một số vấn đề trong quá trình phát triển của mình. Việt Nam lần này được xem có sự tiến bộ dài về lối đá, được đầu tư kỹ từ huấn luyện viên đến xây dựng mô hình, lối đá. Vậy mà đội bóng ấy trong từng thời điểm khác nhau thể hiện những bộ mặt rất khác nhau. Họ đang chơi với hình ảnh của một nhà vô địch thực thụ, bỗng trở thành đội bóng phong trào với cách đá “ngây thơ”; khi thì đá rất hay với đối thủ mạnh bỗng như gà mắc tóc trước đối thủ yếu… Tất cả những hiện tượng đó minh chứng cho tình trạng bóng đá Việt Nam hiện vẫn đang còn khá nghiệp dư, thắng thua chỉ nhờ phong độ nhất thời chứ chưa có được một nền tảng vững chắc được gọi là đẳng cấp. Đương nhiên, có được đẳng cấp không chỉ là ngày một ngày hai. Chúng ta đã bỏ phí quá nhiều thời gian, cơ hội để xây dựng nền tảng ấy. Ngay như sau lần đầu tiên trở lại hội nhập với SEA Games 1991, nếu chúng ta có bộ máy điều hành giỏi, xây dựng chiến lược bài bản làm đường ray cho bóng đá phát triển thì ngày nay đâu phải chứng kiến các cầu thủ khóc tức tưởi vì thua một đội bóng yếu hơn mình.
Điều thứ hai rút ra sau trận thua bán kết là “yêu cầu” chiến thắng mọi lúc mọi nơi của khán giả lại trở thành một sự cuồng tín. Phải nhìn nhận “thói quen xấu” của nhiều người từ lãnh đạo liên đoàn đến khán giả là luôn đòi hỏi đội bóng phải chiến thắng. Một thất bại nào cũng sẽ gánh phải trách móc với nhiều mức độ khác nhau. Đến mức người ta quên đi rằng bóng đá là môn thể thao có phân thắng thua, nhưng kết quả trận đấu không hoàn toàn mang lại yếu tố tích cực. Thắng bằng may mắn, thắng với phong độ nhất thời sẽ đưa đội bóng đến sự chủ quan, xem thường đối thủ, và vì vậy nền bóng đá ngày càng tụt lùi. Những cách nhìn nhận như “điểm mạnh của cầu thủ Việt Nam là tinh thần quả cảm”, “các cầu thủ đã cống hiến bằng hai trăm phần trăm sức lực”, “họ thi đấu như một chiến binh”… đã ngày càng giết chết sự sáng tạo và tinh thần thể thao. Đó là chưa nói đến chuyện khi “nâng tầm” một đội bóng thì cũng có ý miệt thị đội bóng đối phương, vốn là điều cấm kỵ trong thể thao.
Với bài học thất bại trước Myanmar, liệu bóng đá Việt Nam có chịu xóa bỏ cách làm đặt nặng thành tích hay chưa? Nếu thời điểm này, chúng ta chấp nhận làm lại bằng một chiến lược khoa học thì chục năm sau mới mong có được một nền bóng đá không phụ thuộc vào phong độ nhất thời nữa.
PHƯƠNG NAM