Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần. Xét về lý thuyết, đây là đợt tranh tài đỉnh cao của các địa phương, VĐV nhờ có thời gian chuẩn bị dài và tính chất đua tranh nhiều ý nghĩa, bao gồm thành tích cá nhân cũng như địa phương. Tuy nhiên, thực tế kết quả ở nhiều môn cho thấy, ưu thế trong phần lớn cuộc đua giành huy chương đều thuộc về các ngôi sao ở ĐTQG, cho dù họ chưa hẳn đã vượt qua cột mốc cao nhất về thành tích của chính mình trước đây.
Thế nên, với nhiều VĐV hàng đầu của Việt Nam, tham gia đại hội chẳng khác nào “đi hội”.
Câu chuyện của Nguyễn Thị Ánh Viên có thể được coi là một điển hình. Đăng ký thi đấu tổng cộng 17 nội dung môn bơi, kể cả những môn không phải sở trường, không có trong giáo án tập luyện tại Mỹ, nơi cô đang được nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng mỗi năm. Việc tham gia chừng đó môn và có khả năng đoạt đa số HCV thực sự là một kỷ lục.
Đấy là chưa kể, Ánh Viên có thể là VĐV đoạt nhiều HCV nhất trong lịch sử nếu qui đổi các huy chương mà cô có tại SEA Games và Asiad. Thế nhưng, dù là “độc cô cầu bại” thì kỳ vọng về một sự đột phá về thành tích vẫn chưa xuất hiện.
Ở nội dung sở trường 200m ngửa, Ánh Viên từng giành HCĐ ASIAD 17 với thành tích 2’12”25 cách đây gần 3 tháng, song tại đại hội, thành tích của Ánh Viên lại khá khiêm tốn, chỉ đạt 2’20”49, tức là kém hơn tới gần 8 giây.
Ở môn cử tạ cũng thế. Đang ở tầm vóc tranh đoạt chức vô địch thế giới ở hạng cân 56kg, nhưng tại đại hội, dù dễ dàng đoạt HCV (phá kỷ lục của đại hội) nhưng Thạch Kim Tuấn cùng chỉ cần đến mức tổng cử 283kg (tại Asiad là 296kg) là đã giành trọn bộ 3 HCV ở hạng 56kg. Các con số này chẳng nói lên điều gì về Thạch Kim Tuấn cả ngoài số lượng huy chương đem về cho địa phương mình.
Trong khi đó, ở môn bắn súng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh phá kỷ lục thế giới do chính anh thiết lập ở nội dung sở trường 10m súng hơi. Câu hỏi đặt ra là tại sao liên tục làm được điều này nhưng Xuân Vinh vẫn thất bại tại Asiad 17, phải chăng khi “đi hội” thì tự tin bắn tốt, khi tranh đấu thực sự thì đánh mất chính mình?
Còn tính chung cả đại hội, dù đến nay có gần 60 kỷ lục được phá nhưng 3/4 số kỷ lục lại thuộc về lặn và bắn súng, những môn mà Việt Nam không có nhiều cơ hội thi đấu trên trường quốc tế.
Đây chính là tác dụng ngược của việc tổ chức đại hội TDTT theo kiểu “ai cũng có thể góp mặt” thay vì là một cuộc tranh tài thực thụ 4 năm một lần. Một chuyên gia nhận định: “Đại hội là giải đấu cuối cùng trong năm, hầu hết các VĐV đều đã trải qua một hành trình rất vất vả trong các cuộc thi đấu trước đó nên rất khó đòi hỏi thành tích đột phá. Hầu hết chỉ đặt mục tiêu giành huy chương, chứ không nhiều người đặt mục tiêu phá kỷ lục”.
Như vậy, chính số lượng huy chương mới là thứ quyết định thành công của các đoàn thể thao, tức là dù đã định hướng phát triển thể thao đỉnh cao theo hướng trọng tâm thì chính việc tổ chức đại hội cho thấy tính chất dàn trải, phong trào vẫn còn nguyên vẹn, chẳng trách khi thi đấu SEA Games, chúng ta vẫn có thói quen đếm số lượng HCV.
Yến Phương