1. Vòng bán kết của giải U.21 quốc gia chỉ có mỗi HN T&T là đến từ V-League, trong khi đó, An Giang và Bình Định đang có các đội lớn đá tại hạng Nhì. Chưa hết, 7/20 đội dự vòng loại U.21 năm nay không có đội 1 đá ở cả V-League lẫn hạng Nhất. Các con số nói trên cho thấy điều gì?
Thứ nhất: Bóng đá Việt Nam vẫn đang sống dựa trên nguồn tiền bao cấp bởi các đội bóng không thuộc V-League hay hạng Nhất vẫn đang được những địa phương chăm lo bằng nguồn ngân sách sự nghiệp thể thao.
Thứ hai: Phải chăng bóng đá Việt Nam đang tách ra thành 2 khu vực khác nhau: Một bên là các CLB chuyên đá giải đỉnh cao và phần còn lại đang cần mẫn đào tạo cầu thủ trẻ nhưng cũng chẳng có nhu cầu thăng hạng. Có thể nói, trách nhiệm của các CLB chuyên nghiệp không hẳn là phải tự đào tạo trẻ mà nhiệm vụ chính của họ nằm ở chỗ tạo “đầu ra” cho hệ thống đào tạo cơ sở cho dù đó có phải là những “lò” đào tạo tốt hay không.
Bóng đá Việt Nam nếu không có tiền thì đừng mơ lên chuyên nghiệp. Ảnh: Hoàng Hùng
2. Và đấy là những lý do mà chúng tôi cho rằng VFF và VPF nên có thái độ dứt khoát về bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Không có tiền đừng lên chuyên nghiệp và chấp nhận thực tế: còn bao nhiêu đá bấy nhiêu.
Vì sao? Vì bóng đá chuyên nghiệp không có chức năng đào tạo trẻ mà là “sử dụng cầu thủ trẻ”. Mà để các CLB V-League có đủ các tuyến từ U.17 đến U.21 thì dứt khoát phải có tiền. Một CLB mà không đủ kinh phí để đá một mùa giải thì làm sao có đủ tiền để nuôi các tuyến trẻ. Mà đã không có các tuyến trẻ, vậy thì hoạt động đào tạo các các “lò” hay các địa phương sẽ đi về đâu.
Nói cách khác, không cần phải đủ 14 CLB đá V-League thì mới có “đất diễn” cho các cầu thủ trẻ mà chỉ cần 7-8 CLB có nguồn ngân sách hơn trăm tỷ mỗi năm để “nuôi” các tuyến U thi đấu quanh năm. Rõ ràng, khả năng tiếp nhận các tài năng từ cơ sở của 7-8 CLB nhà giàu đó tốt hơn nhiều so với 14 đội mà phần lớn dùng “cây nhà lá vườn”. Chính các đội đó sẽ thúc đẩy thị trường chuyển nhượng tốt hơn hẳn so với 14 đội nhưng cứ giữ rịt các cầu thủ do mình đào tạo bằng các qui định rất trời ơi nhằm có đủ người để đá giải. Thị trường khi đó sẽ hình thành các CLB chuyên đào tạo để bán cầu thủ và các đội chỉ chuyên mua. Có như vậy thì tài năng trẻ mới cạnh tranh với nhau nhiều hơn để tìm cho mình “bến đỗ” tốt nhất.
3. Với tình hình của bóng đá Việt Nam hiện nay, có lẽ cần phải tập trung vào chất hơn là lượng. V-League có 8 hay 10 đội vẫn có thể thay đổi thể thức để đá hơn 30 trận/mùa mà vẫn bảo đảm được sự hấp dẫn khi những “nhà giàu” “tức nhau tiếng gáy”. Giảm số lượng đội V-League đồng nghĩa với việc tăng số đội tại hạng Nhất, nơi mà bóng đá Việt Nam nên tập trung tạo sân chơi cho cầu thủ trẻ, là cái “chợ” để các CLB V-League mua cầu thủ. Một cầu thủ được mua để đá V-League chắc chắn có chất lượng tốt hơn 1 cầu thủ đương nhiên đá V-League nhờ có mặt trong thành phần đội được thăng hạng. Nói cách khác, số lượng các CLB hiện nay của 2 giải đấu hàng đầu cần phải đảo ngược thứ tự mới đúng qui luật.
Đã đến lúc: có tiền thì mời lên đá V-League, không tiền cứ về hạng Nhất mà đá và… bán cầu thủ. Đừng quan tâm đến chuyện V-League có đào tạo cầu thủ trẻ không mà hãy quan tâm, họ có “tiêu thụ” được “sản phẩm” từ các đội hạng Nhất hay không.
HỒ VIỆT
Than thở không làm ra tiền
Giới bầu sô bỏ hàng tỷ đồng để làm một “show” âm nhạc, cũng chỉ mong bán được hơn ngàn vé, trong khi một trận đấu của V-League nếu thuê ca sĩ, nhóm nhạc đến biểu diễn trước – giữa trận đấu chỉ tốn chưa đến trăm triệu đồng nhưng có khi lại giúp tăng lượng khán giả lên vài ngàn người. Thử tính mỗi vé 100.000 đồng, bán thêm 3.000 vé tức là có 300 triệu, dư sức bù chi phí văn nghệ mà lại được vô số lợi ích trong bóng đá.
Đấy là sự khác nhau giữa bóng đá chuyên nghiệp và nghiệp dư, giữa việc có đầu tư và việc chỉ biết than thở, chắt bóp để đủ tiền trụ hết mùa bóng.
Ấy vậy mà bóng đá Việt Nam cứ sống bằng cái nghịch lý đó hết mùa này đến mùa khác. Người ta tự nhiên ca tụng một HA.GL sử dụng nguyên đội hình đến từ lò Arsenal trong khi lại quay sang chỉ trích việc mua sắm cầu thủ của B.Bình Dương. Trong khi đó, với bóng đá chuyên nghiệp thì chính B.Bình Dương mới là mô hình đáng khuyến khích. Trong xã hội, mọi thứ chỉ tốt lên nếu người làm ra sản phẩm phải có người tiêu thụ giá cao. Ai cũng đào tạo cầu thủ trẻ tốt hết thì… ai mua? Thị trường chuyển nhượng sẽ đi về đâu? Và tính cạnh tranh liệu có còn hay không?
Phát triển bóng đá trẻ là trách nhiệm của mọi CLB nhưng cần phải rạch ròi: đào tạo và sử dụng là 2 khía cạnh khác nhau. Thay vì than thở không có tiền đá V-League, tại sao không xuống hạng Nhất và đào tạo cầu thủ trẻ để bán lấy tiền, đó cũng là một cách để “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Còn các CLB V-League, số tiền bỏ ra cho đào tạo trẻ sẽ được chuyển sang đầu tư cho các hoạt động thi đấu như tổ chức ca nhạc tại sân bóng chẳng hạn. Họ mua cầu thủ về, nếu không muốn khán giả đến sân đông thì mua làm gì?
VIỆT LONG