Đấu trường SEA Games: Ngày càng vui là chính

Mặc dù chưa có văn bản chính thức gửi tới các quốc gia tham dự nhưng thông qua kế hoạch phát sóng các trận đấu chuyển tới các đài truyền hình đối tác, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam, Ban tổ chức SEA Games 26 đã có sự điều chỉnh lịch thi đấu môn bóng đá nam.

Mặc dù chưa có văn bản chính thức gửi tới các quốc gia tham dự nhưng thông qua kế hoạch phát sóng các trận đấu chuyển tới các đài truyền hình đối tác, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam, Ban tổ chức SEA Games 26 đã có sự điều chỉnh lịch thi đấu môn bóng đá nam.

Theo đó, với lý do phục vụ cho lễ khai mạc đại hội, các trận đấu của bảng A được đẩy lên đá từ ngày 8-11 thay vì 9-11. Riêng trận đấu giữa U.23 Việt Nam và U.23 Brunei vào ngày 11-11 sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng  thay vì 19 giờ. Đây không phải là lần đầu tiên nước chủ nhà khiến các đội bóng đá dự SEA Games bị động vì việc thay đổi lịch thi đấu. Sự việc này càng cho thấy cung cách tổ chức tùy hứng tại SEA Games, nơi  mà  ban tổ chức các nước chủ nhà gần như toàn quyền quyết định.

Cũng cần phải thấy rằng, dù biết rất rõ những điều đó nhưng các quốc gia tham dự mặc nhiên chấp nhận và xem như là đặc thù của SEA Games, một kiểu “lễ hội thể thao” hơn là cuộc tranh tài thực thụ. Không nói đâu xa, tại SEA Games 26, với lực lượng lên đến 868 thành viên - đông nhất từ trước đến nay - và tham gia đến 42/44 môn, nhưng trong đó có đến gần 10 môn mang nặng tính giải trí, chỉ được tập trung huấn luyện mới đây và cũng chỉ để thi đấu tại SEA Games lần này.

Một trong những lý do chính để Việt Nam cử “đại quân” sang xứ Vạn đảo đó là nhằm phục vụ cho mục tiêu đoạt đến 70 HCV và xếp hạng 3. Theo tính toán, Indonesia dự kiến sẽ đoạt hơn 200 HCV để thiết lập kỷ lục mà họ từng thực hiện ở kỳ tổ chức gần nhất (năm 1997 với 194 HCV). Chính vì vậy, nước chủ nhà đưa một loạt môn mới vào, cắt giảm hàng chục nội dung thi đấu mà họ không có thế mạnh song song với việc bổ sung gần một trăm bộ huy chương ở các môn ưu thế khác.

Nếu căn cứ theo các môn thế mạnh, đoàn Việt Nam chỉ có khả năng đoạt 40-50 HCV, vì vậy mà phải bổ sung nhiều VĐV hơn, thi đấu nhiều môn hơn để bảo đảm chỉ tiêu. Ngược lại, các đoàn như Thái Lan, Malaysia và Singapore sẽ gửi đến Indonesia đội hình 2 để thi đấu ở phân nửa số môn, chấp nhận không bằng mọi giá tranh đoạt huy chương.

Trở lại với đoàn thể thao Việt Nam. Tổng ngân sách dành cho đoàn là hơn 700.000 USD, chưa kể các môn thể thao xã hội hóa. Tuy nhiên, con số này chưa dừng lại vì còn có tiền thưởng theo quy định chung của trung ương đến các khoản thưởng riêng của địa phương. Trong khi đó, xét ở góc độ chuyên môn, chỉ có gần phân nửa những môn thi đấu là phổ biến và phù hợp với thực tế thể thao Việt Nam, số còn lại chỉ thi theo kiểu vui… có thưởng, hết đại hội là tan. Cũng vì chuyện này mà nảy sinh hàng loạt vấn đề hậu trường liên quan đến việc bỏ ai, lấy ai vào đội tuyển dự SEA Games, nhất là ở các đội “cứ sang Indonesia là chắc chắn có tiền thưởng” theo kiểu được ăn, được nói, được cả gói mang về.

Vì vậy, từ sự tùy hứng cũng như công tác tổ chức luộm thuộm của SEA Games 26, cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại việc tham gia SEA Games đối với thể thao Việt Nam ích lợi tới đâu?

Thúy Oanh

Tin cùng chuyên mục