Đâu phải ai cũng làm thuê

Sau khi bầu Đức công khai đánh giá HLV Miura là “HLV tệ nhất trong lịch sử” và đòi sa thải nhà cầm quân người Nhật, một bộ phận không nhỏ dư luận tán thành quan điểm này, tạo nên một áp lực không đáng có lên đội tuyển U.23 hiện đang miệt mài tập luyện tại Hà Nội. Ít nhiều, những luồng dư luận ấy cũng làm giảm uy tín của HLV Miura.

Sau khi bầu Đức công khai đánh giá HLV Miura là “HLV tệ nhất trong lịch sử” và đòi sa thải nhà cầm quân người Nhật, một bộ phận không nhỏ dư luận tán thành quan điểm này, tạo nên một áp lực không đáng có lên đội tuyển U.23 hiện đang miệt mài tập luyện tại Hà Nội. Ít nhiều, những luồng dư luận ấy cũng làm giảm uy tín của HLV Miura.

Các HLV trong bóng đá hay ở các môn thể thao khác, đôi khi vẫn được hiểu là “người làm thuê”; tức khi cần thiết, các “ông chủ” có quyền sa thải. Hiểu như vậy chưa đúng, nhất là với các chuyên gia nước ngoài. “Người làm thuê” là những người được chọn cho một công việc cụ thể, do chính những người bỏ tiền ra thuê tạo ra sẵn với những mục tiêu rõ ràng. Không làm được thì bị sa thải là chuyện đương nhiên. Ngược lại, nếu tự ý bỏ việc trước thời hạn, phải đền bù hợp đồng.

Nhưng trong thể thao, khi mời các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, đó thường là mối quan hệ mang tính hợp tác nhiều hơn. Những chuyên gia này không chỉ đến để thực hiện các mục tiêu theo yêu cầu, mà còn đưa đến những tư duy, phương pháp, thậm chí là tầm nhìn, mối quan hệ mà những người trả lương cho họ không thể có được. Khi họ thành công, không chỉ được trả lương thỏa đáng mà người thuê họ còn phải cảm ơn vì đã “khai sáng” được nhiều thứ. Không phải tự nhiên HLV cũng được gọi là thầy. HLV Miura cũng vậy, gần giống như trường hợp của HLV Henrique Calisto trước đây.

Sau Tiger Cup 2002, khi biết VFF không gia hạn hợp đồng với mình, HLV Calisto đã nổi giận và cho rằng mình bị xúc phạm. Lẽ đơn giản: Trước đó chính VFF đã mời ông làm HLV trong hoàn cảnh đội tuyển đang gây thất vọng lớn, chứ ông không đi xin việc. Thế nhưng, dù đưa đội tuyển đoạt HCĐ tại Tiger Cup 2002, lại chẳng thấy VFF nói một lời cảm ơn. Đây là lý do mà khi Calisto đột ngột bỏ việc vào năm 2011, VFF rơi ngay vào thế bị động nhưng không thể làm được gì người đã có công đem về chức vô địch AFF Cup 2008.

Với HLV Miura, đây là người VFF đã “đặt hàng” nhờ LĐBĐ Nhật Bản hỗ trợ. Hợp đồng của HLV Miura cũng không có các điều khoản liên quan đến thành tích. Cần phải lưu ý, thời điểm đó bóng đá Việt Nam đang mất phương hướng cả về thành tích lẫn khả năng phát triển các đội tuyển.

Hiện nay, có rất nhiều đánh giá cho rằng HLV Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam, thậm chí còn bị xem là “bất tài”, đang “tầm thường hóa” lối chơi của đội tuyển quốc gia. Đó là những đánh giá không công bằng.

Để có HLV Miura, quyền quyết định thuộc về VFF. Sử dụng năng lực của ông ta như thế nào, cũng do VFF. HLV Miura có tài hay “dở tệ”, đều chỉ là những đánh giá phiến diện bởi còn tùy thuộc vào yêu cầu, mục đích mà VFF đặt ra khi thuê nhà cầm quân này. Nếu không ai yêu cầu HLV Miura phải tổ chức một lối chơi đẹp, phải vô địch SEA Games hay AFF Cup thì lấy cơ sở nào để sa thải?

Trên thế giới, các chuyên gia và người hâm mộ đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình về đội tuyển, về HLV trưởng bởi nói cho cùng, mỗi người có một cách xem bóng đá khác nhau. Phong trào đòi sa thải HLV trưởng cũng có ở mọi nơi, từ Brazil đến Anh, Tây Ban Nha, Italia… Tuy nhiên, không có đội tuyển quốc gia nào lại thi đấu theo yêu cầu của một bộ phận người hâm mộ. Có thuận theo ý kiến của dư luận hay không, tùy vào bản lĩnh của những người đang thuê HLV làm việc. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa cũng không thể có chuyện một lãnh đạo VFF lại công khai đòi sa thải HLV chỉ để đáp ứng đòi hỏi của dư luận dù bản thân ông ta biết rằng, việc sa thải một người được chính mình mời đến và giao phó hy vọng là điều vừa không đúng cả lý lẫn tình.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục