Đặt cược ở xứ người

Chính giới chức thể thao Việt Nam cũng nhận định rằng lần xuất quân này, VĐV lấy vé chính thức nhiều nhưng chất lượng không được như xưa. Thành ra, chỉ tiêu của 18 VĐV Việt Nam ở Olympic London 2012 sẽ là cố gắng đoạt được huy chương, còn màu gì… cũng được.
Đặt cược ở xứ người

Chính giới chức thể thao Việt Nam cũng nhận định rằng lần xuất quân này, VĐV lấy vé chính thức nhiều nhưng chất lượng không được như xưa. Thành ra, chỉ tiêu của 18 VĐV Việt Nam ở Olympic London 2012 sẽ là cố gắng đoạt được huy chương, còn màu gì… cũng được.

Đặt cược ở xứ người ảnh 1

Lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn chính là niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012. Ảnh: CHÍ BẢO

Lặp lại được thành tích 1 HCB giống như tại Olympic Bắc Kinh 2008 là điều không dễ đối với đoàn thể thao Việt Nam đến London kỳ này. Năm đó, xuất sắc như lực sĩ Hoàng Anh Tuấn - VĐV được chính giới chuyên môn cử tạ thế giới đánh giá cao nhất - vẫn nếm trải thất bại trước sự xuất hiện đáng ngạc nhiên của lực sĩ Long Quingquan (Trung Quốc).

Nhiều người vẫn đinh ninh rằng Tuấn sẽ trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt được chiếc HCV danh giá, khi mọi yếu tố từ chuyên môn đến tâm lý đều ủng hộ anh tuyệt đối. Thành tích của Tuấn trước thềm Olympic Bắc Kinh 2008 ở hạng cân 56kg cũng là tốt nhất, đáng kỳ vọng nhất. Thế nhưng, như là ý trời, thể thao Việt Nam vẫn chưa thoát được “cái huông” HCB sau cú về đích của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân năm 2000. Tuấn vẫn chỉ đoạt được HCB và giấc mơ vàng của thể thao Việt Nam thêm một lần lỗi hẹn.

Trong lịch sử tham dự Olympic từ trước đến nay của đoàn thể thao Việt Nam, trường hợp để vuột chiếc HCV của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn năm 2008 là đáng tiếc nhất. Đấy là thời điểm, chúng ta đã đến rất gần với ngưỡng cửa thiên đường...

Sau thời của Hoàng Anh Tuấn, cử tạ Việt Nam vẫn có người kế thừa và cũng đáng kỳ vọng, là 2 gương mặt Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn ở hạng cân 56kg được cho là thế mạnh. Tuy nhiên, Kim Tuấn bị chê là “dư thừa” thể hình nên không hợp với hạng cân nhỏ như 56kg, trong khi Quốc Toàn chưa đạt đến đẳng cấp như đàn anh Hoàng Anh Tuấn. Vì thế, ở Olympic London 2012, cơ hội tái lập tổng thành tích 290kg (cử giật và cử đẩy) của đàn anh đang đè rất nặng trên vai của lực sĩ Quốc Toàn.

o0o

Nhưng nhiều người vẫn tin Trần Lê Quốc Toàn sẽ lần đầu tiên đoạt HCV cho cử tạ nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Giới chức cử tạ Việt Nam, HLV Phan Văn Thiện (người đã phát hiện và đào tạo Quốc Toàn) hồ hởi cho rằng chuyến tập huấn của lực sĩ này ở Pháp vừa rồi mang lại tín hiệu khả quan. Nghĩa là trong các buổi tập và thi đấu tại đây, Quốc Toàn đã vượt qua mức tổng thành tích 290kg - thành tích dự đoán sẽ là cột mốc để VĐV đoạt HCV ở Olympic kỳ này.

Nghe thì mừng thật, nhưng phải thấy mới tin. Quốc Toàn không nên đến London cùng “những lời có cánh”, mà phải bằng sự tự tin và động viên đúng nghĩa từ giới chức và từ nhận thấy khát vọng đổi màu HCB của người hâm mộ thể thao nước nhà lớn đến chừng nào. Những yếu tố tác động chỉ là phụ, điều quan trọng nhất chính là ý thức của bản thân lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn.

Thực ra, không nói thì với tính cách khá điềm tĩnh và cầu tiến của Quốc Toàn, chúng ta vẫn có thể hy vọng vào lực sĩ này. Điều đó rất quan trọng ở môn thi vừa cần trí, vừa cần lực như cử tạ. Và nó khác với tính cách bốc đồng của đàn anh Hoàng Anh Tuấn trước đây.

Thành ra, khoản cược ý chí và tinh thần Việt Nam mà Quốc Toàn mang theo đến London 2012 rất đáng tin cậy, mặc dù thực tế ai cũng hiểu đích ngắm HCV ở hạng cân 56kg không chỉ có VĐV của Việt Nam, mà còn có cả những gương mặt xuất sắc khác đến từ Bulgaria, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên…

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục