4 cầu thủ xuất thân từ phong trào, gồm: Nguyễn Hoàng Anh Vũ, Nguyễn Huỳnh Thanh Huy, Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Hoàng Hải. Đó cũng là cột mốc đáng nhớ dành cho các cầu thủ xuất thân từ bóng đá phong trào, hay còn gọi là bóng đá “phủi”.
Tuyển thủ phong trào đáp ứng chuyên môn
Giải thích về sự lựa chọn đặc biệt này, HLV Trương Quốc Tuấn nói: “Tôi đã lên nhiều phương án tìm kiếm nhân sự khi nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển. Trong đó có một số cầu thủ xuất thân từ phong trào được triệu tập. Nhưng để vào đội tuyển, trước đó các cầu thủ này cũng có thời gian được tập luyện ở các CLB chuyên nghiệp”.
Cụ thể, Anh Vũ và Thanh Huy tập luyện ở Cao Bằng, Minh Đức thi đấu trong màu áo Tân Hiệp Hưng, người còn lại Hoàng Hải khoác áo Đà Nẵng. Với 4/14 cầu thủ phong trào trong đội hình, tuyển futsal U20 Việt Nam đã vào đến tứ kết của sân chơi châu lục.
“Dù là cầu thủ phong trào nhưng khi được triệp tập vào đội tuyển, họ đã thể hiện hết khả năng của bản thân, đáp ứng được yêu cầu ban huấn luyện đề ra. Hiện đa phần các cầu thủ sau khi trở về từ tuyển U20 vẫn tiếp tục thi đấu ở những đội chuyên nghiệp”, ông Tuấn tiếp lời.
Mới đây, HLV Phạm Minh Giang gây sốc khi đưa pivot Nguyễn Thịnh Phát, cầu thủ xuất thân từ phong trào về Thái Sơn Nam thi đấu. Ba năm trước, cầu thủ có biệt danh Phát “ròm” này còn phiêu bạt đi “đá chầu” khắp nơi cho các đội “phủi” Vinh Hải Vinh Hiền, Đinh Gia ...
Ba năm trở lại, nhiều CLB chuyên nghiệp thường xuyên cử đội trẻ tham dự các giải FI - một trong những hệ thống giải phong trào lớn ở TPHCM và không ít HLV còn tranh thủ dịp này để tuyển thêm quân. Thậm chí, cựu HLV tuyển futsal U20 Việt Nam Hector Souto từng lập đội dự tuyển phong trào Việt Nam nhằm sàng lọc nhân tài.
HLV Trương Quốc Tuấn bày tỏ: “Hiện chỉ Thái Sơn Nam có cơ sở vật chất đầy đủ cho việc đào tạo trẻ, trong khi bóng đá học đường ở Việt Nam chưa phát triển thì sân chơi phong trào là hướng đi để các CLB tìm kiếm quân số, bổ sung cầu thủ. Đây là sự lựa chọn tốt”.
Thực tế hướng đi này không phải mới. Nhiều đội bóng từng thành công với mô hình xây dựng dựa trên nền tảng phong trào, tiêu biểu là Kardiachain Sài Gòn. HLV của đội bóng này, ông Nguyễn Bảo Trung được giới trong nghề phong danh: “Ông vua phong trào miền Nam”.
“Cầu thủ phong trào có điểm mạnh về sự dày dặn kinh nghiệm thi đấu. Có nghĩa, họ được đá “phủi” hằng tuần, thi đấu liên tục và phát triển nhờ thông qua việc thi đấu thường xuyên. Còn cầu thủ futsal ăn tập từ nhỏ chủ yếu rèn luyện cơ bản, những phẩm chất thi đấu là chính, ít được cọ xát hằng tuần, hằng ngày. Dĩ nhiên nhóm này vẫn được thi đấu giao hữu nhưng cái chính vẫn là kĩ thuật cơ bản nhằm xây dựng tố chất để tạo nền tảng sau này”, HLV Trương Quốc Tuấn lý giải.
Tuy nhiên cầu thủ “tay ngang” không được đào tạo căn cơ sẽ gặp nhiều vấn đề khi bước vào những động tác, kỹ năng xử lý, chạy chỗ, chiến thuật chuyên sâu trong futsal. Đây là bài toán khó của các HLV chuyên nghiệp.
“Khi bước vào tập chiến thuật, cầu thủ tay ngang hay quên và ít tập trung khi tập luyện. HLV phải nắm bắt tâm lý và cố gắng rèn luyện cầu thủ đó bằng cách tạo nhiều môi trường giữa họ và các anh lớn trong đội. Các anh lớn có nhiệm vụ chỉ vẽ, truyền đạt kinh nghiệm. Sau đó, HLV phải tập riêng với các bạn đấy và dành nhiều thời gian để nói chuyện, gần gũi với họ hơn”, HLV Nguyễn Bảo Trung chia sẻ.
Ngoài ra, cần phải giải được bài toán kinh tế. Bởi có nhiều cầu thủ “phủi” đủ “đô” thi đấu futsal chuyên nghiệp nhưng đành từ chối vì chế độ (lương, thưởng ...) không đảm bảo được đời sống cho bản thân và gia đình.
Chỉ có như vậy mới vạch ra được đường lối rõ ràng để hướng cầu thủ phong trào tự tin mà lên chơi chuyên nghiệp. Đó là nút thắt cho hướng đi tìm kiếm tài năng ở các sân bóng “phủi”.