“Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng là một cái tên từng làm giới truyền thông châu lục thán phục, ngợi ca như “Đệ nhất thủ thành Á châu” nhờ khả năng “bay lượn” giữa khung thành dù ông không phải là người cao lớn. Cố thủ thành Phạm Văn Rạng khi còn thi đấu thậm chí còn nổi tiếng hơn cả bạn thân nay cũng là người thiên cổ, trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang. Hai ông đều là thành viên của đội vô địch SEAP Games 1959, chiếc HCV đầu tiên của môn bóng đá ở sân chơi thể thao Đông Nam Á.
Năm 1966, khi ông Phạm Văn Rạng làm rạng danh bóng đá miền Nam Việt Nam với màn trình diễn xuất sắc trong màu áo của đội tuyển các ngôi sao châu Á thi đấu với CLB Chelsea, thì ở miền Bắc xuất hiện một tài năng đặc biệt có tên Trần Văn Khánh, sau này mang biệt danh ‘người nhện”. Năm 1984, ông Khánh là thành viên của đội tuyển Việt Nam 2 giành chiến thắng vang dội 3-1 trước đội CHDC Đức ở giải đấu SKDA.
Có thể nói, ngay từ những ngày đầu, lịch sử bóng đá Việt Nam đã ghi nhận sự xuất sắc đặc biệt của các thủ môn, điều tưởng là rất nghịch lý đối với làng cầu thuộc khu vực “tháp bé, nhẹ cân” như Đông Nam Á. Thời gian trôi qua, có vẻ như thủ môn lại trở thành “món đặc sản” của bóng đá Việt. Những chiến tích đặc biệt của bóng đá sau thời của ông Rạng, ông Khánh cũng đều vinh danh các thủ môn.
Ví dụ như chiếc HCB lịch sử tại SEA Games 1995 thường được nhớ nhiều bởi bàn thắng vàng của Trần Minh Chiến, nhưng “người hùng” thực sự lại là thủ thành Bình Định, Nguyễn Văn Cường với những màn cứu thua quả cảm, khó tin, Đấy là lý do mà tại cuộc bầu chọn QBV Việt Nam đầu tiên năm 1995, tiền đạo Trần Minh Chiến không vào tốp 3 còn thủ môn Nguyễn Văn Cường thì đoạt QBB.
Chức vô địch lịch sử AFF Cup 2008 lại một lần nữa cho thấy cái duyên của những “người gác đền”. Thủ môn xứ Nghệ, Dương Hồng Sơn đã đoạt QBV Việt Nam năm đó dù tiền đạo Lê Công Vinh là người ghi bàn thắng đầy cảm xúc trong trận chung kết ở Mỹ Đình. Với những nhà chuyên môn, nếu không có hệ thống phòng thủ siêu hạng và tài nghệ của Dương Hồng Sơn thì sẽ không thể có chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên ấy. Dương Hồng Sơn là thủ môn thứ 2 từng được vinh danh ở giải thưởng QBV Việt Nam, sau Võ Văn Hạnh (2021), và đây chính là một chi tiết có lẽ không cuộc bầu chọn nào trên thế giới lại có. Sau 23 lần trao giải, đã có tổng cộng 2 QBV, 2 QBV và 1 QBĐ được trao cho các thủ môn.
Và mới nhất, chắc chắn không thể quên được các pha cản phá phạt đền của thủ môn Bùi Tiến Dũng, giúp U23 Việt Nam vào chung kết châu Á. Rất tiếc là thủ thành người Thanh Hóa này không duy trì được phong độ, vị trí trên đội tuyển phải nhường lại cho Đặng Văn Lâm, người tỏa sáng ở AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019.
Giới bóng đá Việt chưa bao giờ phải lo lắng về vị trí thủ môn. Đặng Văn Lâm tài năng là thế, được đào tạo từ đội trẻ Spartak Moscow nhưng khi về Việt Nam thì suýt … thất nghiệp. Bây giờ thì thủ môn này đang là cầu thủ Việt Nam duy nhất được chuyển nhượng chính thức sang Thái Lan, rồi sang Nhật Bản chơi bóng ở J-League 1. Nhưng suýt nữa thì chính Văn Lâm cũng không phải là cầu thủ đẳng cấp nhất nếu một thủ môn gốc Việt Nam khác là Filip Nguyễn không chọn CH Séc làm nơi khoác áo quốc tế. Cầu thủ có cha là người Việt Nam này đang chơi bóng ở đẳng cấp Europa League, nhưng tiếc là không kịp nhập tịch Việt Nam.