Dân làm bóng đá có khác!

Nếu việc hàng loạt ngân hàng lên tiếng phủ nhận ảnh hưởng của bầu Kiên có thể hiểu được bởi trên thực tế, số cổ phần mà ông này sở hữu tại các tổ chức tài chính đó quá ít hoặc không có. Tuy nhiên, chuyện  VFF lẫn VPF đều phủ nhận vai trò của ông bầu này trong địa hạt bóng đá là không thể hiểu nổi.
Dân làm bóng đá có khác!

Nếu việc hàng loạt ngân hàng lên tiếng phủ nhận ảnh hưởng của bầu Kiên có thể hiểu được bởi trên thực tế, số cổ phần mà ông này sở hữu tại các tổ chức tài chính đó quá ít hoặc không có. Tuy nhiên, chuyện  VFF lẫn VPF đều phủ nhận vai trò của ông bầu này trong địa hạt bóng đá là không thể hiểu nổi.

Hệ quả từ vụ việc của bầu Kiên chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành của VPF. Ảnh: Quang Minh

Hệ quả từ vụ việc của bầu Kiên chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành của VPF. Ảnh: Quang Minh

Thứ nhất, vị trí (Phó chủ tịch HĐQT) và vai trò (người sáng lập) cũng như công việc cụ thể (tài chính) của bầu Kiên tại VPF là công khai, rõ ràng và ai cũng thấy ảnh hưởng đó lớn đến mức nào trong thời gian vừa qua. Không thể ngay lập tức nói rằng sự thiếu vắng bầu Kiên là không ảnh hưởng. Phải nói là ảnh hưởng nghiêm trọng mới đúng.

Trước hết và gần nhất là chuyện tiền bạc. VPF hoạt động khác với VFF và khoản ngân sách để điều hành bộ máy lớn hơn nhiều lần so với các BTC giải của VFF trước đây. Trong khi đó, nguồn thu thì ngoài hợp đồng tài trợ của các giải đấu, chỉ đến từ bản quyền truyền hình thông qua Hội đồng bảo trợ do bầu Kiên vận động ra. Cho đến nay, chẳng ai biết VPF có hợp đồng ký kết nào với Hội đồng bảo trợ này không. Nếu không còn nguồn tiền này, VPF hoạt động bằng kiểu nào?

Tất nhiên, năng lực kiếm tiền của các ông bầu còn lại trong VPF không phải là kém, tuy nhiên, chắc chắn không ai “thiện nghệ” như bầu Kiên, người kinh doanh trong địa hạt tài chính. Người như bầu Kiên vẫn chưa thể đem đến ngay những bước đột phá của việc kiếm tiền cho các giải đấu thì thật khó yêu cầu cao hơn với những ông bầu còn lại, vốn đang bận túi bụi lo chuyện làm ăn của doanh nghiệp cũng như CLB của mình.

o 0 o

Thứ hai, đó là chuyện bóng đá Việt Nam đang chịu ảnh hưởng quá lớn từ túi tiền của các ông bầu mà một khi bầu Kiên không còn, sẽ có hiệu ứng đô-mi-nô tiêu cực. Chúng ta còn nhớ, chính bầu Đức đã mấp mé chuyện bỏ bóng đá nếu không có sự ra đời của VPF và đặc biệt là sự có mặt của bầu Kiên. Nhà tài trợ Eximbank cũng từng dọa bỏ giải. Chính bầu Kiên là “nguồn cảm ứng” của không ít ông bầu đang còn lại nên khi thiếu ông này, làn sóng rút khỏi bóng đá có thể xảy ra.

Trong trường hợp đó, đâu nói chuyện đơn giản là “không có bầu thì chúng ta vẫn đá”. Tiền ở đâu mà làm bóng đá? Cầu thủ đã quen với mức lương vài chục triệu/tháng, lót tay tỷ này, tỷ nọ nay bảo họ nhận “lương cứng” đá bóng liệu có được không? Ở đây đâu chỉ là chuyện tổ chức giải đấu mà là vấn đề vận hành một nền bóng đá chuyên nghiệp.

Nói cách khác, chắc gì đã quay lại thời “bóng đá bao cấp” được khi mà các Sở quản lý tại địa phương đều không còn chức năng đầu tư phát triển bóng đá chuyên biệt như trước.

Nói đâu xa, ngay vấn đề bản quyền truyền hình. Nếu không còn Hội đồng bảo trợ tài chính thì không lẽ… trả lại cho AVG. Chắc gì AVG đã tiếp nhận khi quá trình phát triển của hệ thống truyền hình này cũng đâu có khả quan lắm.

o 0 o

Thành ra mới có người chép miệng: “Đúng là dân làm bóng đá có khác. Cứ tưởng đem bóng ra sân mà đá là thành bóng đá chuyên nghiệp”.

Đại diện VFF cũng phải thừa nhận khó có chuyện VFF làm thay công việc của VPF khi mọi thứ đã được đẩy đi quá xa so với cái thời mà họ còn là đơn vị tổ chức các giải đấu. Nghĩa là kiểu gì thì bóng đá chuyên nghiệp cũng phải “bước tới” chứ không thể “bước lùi”.

Nói như vậy để thấy, việc đánh giá vội vàng về tầm ảnh hưởng của bầu Kiên là không hợp lý.

Hệ quả của sự việc này đối với bóng đá Việt Nam là rất nặng nề. Tốt hơn hết là phải đánh giá những thiệt hại hơn là phủ nhận.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục