Một nhân viên ngân hàng, thông qua nghiệp vụ của mình, cùng rủ rê các nhân viên khác để lấy tiền khách hàng bỏ vào túi riêng thì khi bị phát hiện, lãnh đạo ngân hàng có liên đới trách nhiệm không? Chắc chắn là có. Dù chính người đứng đầu, bằng nghiệp vụ của mình đã phát hiện ra chuyện nhân viên làm bậy và nhờ pháp luật can thiệp. Câu chuyện tại V.Ninh Bình không khác mấy.
Bóng đá là một công việc đặc thù. Không phải ai cũng đá bóng được và cũng chẳng phải ai làm kinh doanh giỏi hoặc nhiều tiền cũng trở thành ông chủ một CLB. Không đời nào một doanh nhân chẳng am hiểu gì về bóng đá lại muốn sở hữu một đội bóng bởi đã là doanh nhân, họ dư sức biết rằng nếu không nắm rõ lĩnh vực mình đang làm thì không thể nào quản lý được doanh nghiệp dù là lớn hay nhỏ.
Chúng tôi muốn so sánh bóng đá với ngành ngân hàng là vì vậy. Làm lãnh đạo một ngân hàng mà anh quản lý kém, để nhân viên dùng chính nghiệp vụ ngân hàng lừa đảo thì trách nhiệm của người đứng đầu không thể không nói đến (nếu nhân viên ngân hàng lừa đảo ngoài ngân hàng thì không nói làm gì).
Một ông bầu bóng đá dư sức biết rõ chuyện cá độ, bán độ nhưng vẫn đề cầu thủ mình “nhúng chàm” thì đương nhiên cũng phải chịu trách nhiệm. Không thể có chuyện cầu thủ bán độ rồi lấy cớ giải tán đội bóng theo kiểu “tôi chẳng biết gì” hay “tôi chỉ là nạn nhân”.
Nhưng hỡi ôi, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam lại tỏ ra thông cảm cho bầu Trường, làm như thể chính họ cũng bị cầu thủ lừa. Bầu Trường thay vì bị truy cứu trách nhiệm, lại trở thành “người hùng”. Cầu thủ bán độ thì đương nhiên bị pháp luật xử và có thể bị cấm vĩnh viễn thi đấu bóng đá nhưng còn một ông bầu tuyên bố bỏ giải thì lại được ủng hộ là sao?
Một hay nhiều cầu thủ bán độ, đương nhiên là đã gây hại lớn cho nền bóng đá và là sự phản bội với người hâm mộ. Tuy nhiên, tác hại của nó chưa lớn bằng chuyện một ông bầu bỏ giải chỉ vì đội mình có cầu thủ bán độ.
Người hâm mộ cả nước làm gì còn niềm tin nơi các CLB khác được nữa. Nền bóng đá sẽ cứ phập phồng lo sợ chuyện người ta lấy cớ này, cớ nọ để giải tán đội bóng. Việc bầu Trường bỏ giải khiến người ta liên tưởng đến chuyện ở các CLB khác, những ông bầu cũng không quản lý được cầu thủ.
Cũng như một phòng giao dịch ngân hàng có tiêu cực thì người dân ùn ùn đến hội sở của ngân hàng đó để rút tiền vì không còn tin. Rồi một ngân hàng có vấn đề sẽ khiến hệ thống tín dụng cả nước bị mất niềm tin nơi người dân.
Cách hành xử của VFF và VPF với việc bầu Trường bỏ giải khiến người ta có cảm giác nền bóng đá Việt Nam chỉ là cuộc chơi của một nhóm người. Họ tỏ ra thông cảm, chia sẻ với nhau mà chẳng hề quan tâm đến suy nghĩ của người hâm mộ, tương lai của nền bóng đá và số phận của các cầu thủ, những “công nhân đá bóng”.
Càng cảm thông với bầu Trường càng để dẫn đến sự phản bội các nguyên tắc cơ bản của bóng đá và càng cho thấy nền móng bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam yếu ớt đến thế nào. Người ta sẽ hiểu tại sao các doanh nhân vào làm bóng đá dễ dàng đến như vậy bởi khi cần, họ có thể vứt bỏ đội bóng trong thế “ngẩng cao đầu” và chẳng phải chịu một chế tài nào cả.
Chúng ta chia sẻ cảm giác bị phản bội của bầu Trường nhưng có lẽ ông bầu này cũng cần phải chia sẻ cảm giác bị phản bội của người hâm mộ V.Ninh Bình khi thấy người ta xem đội nhà như một thứ trò chơi. Thắng thì được tôn vinh là một ông bầu, thua thì rũ bỏ trách nhiệm “đó không phải của tôi”
Đăng Linh
|