Cứ đam mê vì cuộc đời cho phép

NGUYỄN ĐÌNH

VĐV được mọi người đang chú ý lúc này là Đỗ Thị Ngân Thương. Cô gái mang danh “búp bê TDDC” một thời của tuyển TDDC Việt Nam đang sắm vai trò VĐV thi đấu giải vô địch aerobic châu Á 2015 ngay trên sân nhà.

Cứ đam mê vì cuộc đời cho phép ảnh 1

VĐV Đỗ Thị Ngân Thương.  Ảnh: Nhật Anh

Cách đây nửa tháng, Ngân Thương vẫn còn được bắt gặp ở vai trò một trọng tài tham gia điều hành giải TDDC VĐQG 2015 tại Hà Nội.  Thoáng cái, cô đã bước vào thi đấu aerobic. Tất cả lý do để Thương chia sẻ vì sao cô lại chọn aerobic đã được đủ đầy trên báo chí. Chỉ một điều mà Thương lâu lâu mới nói đó là, cô vẫn đam mê lắm với sự nghiệp. Cuộc sống hàng ngày của Thương lúc này vẫn dậy sớm như một VĐV TDDC nhưng là để ra sân dạy VĐV tuyến năng khiếu của TDDC Hà Nội chứ không phải thi đấu. Chuyển bước bất ngờ từ TDDC sang aerobic thì đúng Ngân Thương là “của hiếm” của môn thể dục tại Việt Nam.

Thể thao Việt Nam không hiếm trường hợp VĐV rẽ ngang sự nghiệp đổi môn nhưng vẫn có được sức hút với người hâm mộ. Nguyễn Văn Hùng là trường hợp như thế. Thành danh và cả sự nghiệp gắn liền với môn võ taekwondo. Tuy nhiên, rời sàn đấu taekwondo, võ sĩ này lại thành một cầu thủ bóng rổ thi đấu cũng có… nghề. Nhiều người bảo, Nguyễn Văn Hùng có lợi thế nhờ chiều cao và hình thể mạnh mẽ từ khi tập luyện taekwondo nên chuyển sang bóng rổ không khó. Nghe đâu, đội bóng Sài Gòn Heat cũng muốn mời Hùng về thi đấu trong năm nay.

Hiện ngoài công việc là một HLV của đội taekwondo đối kháng quốc gia, Nguyễn Văn Hùng còn là chủ nhiệm môn taekwondo của thể thao Thanh Hóa. Nhưng lúc có thời gian, chàng võ sĩ vẫn ra sân ném bóng và thi đấu rất mạnh mẽ. Nếu không có đam mê, chắc chắn ít người làm được như vậy. Như Nguyễn Văn Hùng, cựu tuyển thủ điền kinh Nguyễn Duy Bằng có một công việc thêm trong môn quần vợt. Duy Bằng mở lớp dạy quần vợt cho tất cả những ai đam mê môn thể thao này. Tất nhiên, Bằng cũng phải có trình độ và kỹ thuật chuẩn thì mới dám nhận sô đi dạy.

***
Trong lúc này, thể thao không thiếu VĐV chỉ có thu nhập ít ỏi gói gọn trong khoảng 2 tới 3 triệu đồng/tháng. Họ đã có lúc nản chỉ muốn từ bỏ nhưng cái đam mê cùng môn thể thao mình theo đuổi là động lực níu họ lại. Chủ công Lê Quang Khánh của bóng chuyền Long An không ít lần giãi bày mức lương thật sự ít ỏi. Đòi hỏi có mức lương hay thu nhập để đủ sống là chính đáng của VĐV.

Không may mắn cho Quang Khánh hay các cầu thủ bóng chuyền nam Long An, đội bóng chưa có tài trợ nhiều, chỉ trông chờ vào lương, thưởng của trung tâm TDTT địa phương nên khó nghĩ tới những con số vài chục triệu đồng/tháng. Cựu kình ngư nổi tiếng một thời của bơi lội TPHCM là Nguyễn Thị Kim Tuyến bây giờ vừa đi học vừa tham gia huấn luyện cũng chỉ có mức lương trong khoảng dưới 3 triệu đồng. Tuy nhiên, cựu tuyển thủ này vẫn hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Dễ hiểu, cô đang được gắn bó tiếp tục với môn thể thao của mình và khi chưa có hướng phát triển cao hơn thì ổn định trước mắt là cần thiết. Một trường hợp khác có thể kể tới là Phan Thị Hà Thanh. Nổi tiếng là vậy, nhưng nếu tính lương được hưởng từ đơn vị chủ quản Hải Phòng thì Thanh cũng chỉ được nhận dươi 3 triệu đồng/tháng. VĐV chỉ có thu nhập tốt hơn nhờ chế độ của ĐTQG khi đang tập trung lúc này.
Với cơ chế và quản lý hành chính theo quy định, VĐV khi là viên chức, công chức nhà nước thì đều phải có sự khởi đầu ở các mức lương cơ bản. Điều này cũng đúng với tất cả chứ không riêng VĐV thể thao. Họ đã thành danh từ thể thao nên vẫn quyết tâm cùng cái nghiệp ấy.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục