Cứ chờ đấy!

Vài ngày nữa là hết tháng 4, LĐBC Việt Nam (VFV) vẫn chưa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 6, mặc dù sau nhiều lần “hứa hão”, thời điểm được cả BCH cũ chốt lại là tháng 4-2014. Sở dĩ VFV quá chậm trễ tổ chức đại hội nhiều khả năng là do vị quan chức của ngành ngân hàng được mời vào ghế chủ tịch nhiệm kỳ mới đã từ chối...

Tức là nếu vị chức sắc của ngành ngân hàng kia chính thức từ chối ngồi vào cái ghế chủ tịch của VFV nhiệm kỳ 2014-2019, đại hội liên đoàn lại sẽ hoãn... vô thời hạn, không diễn ra đúng theo kế hoạch đã định. Bất chấp người trong giới bóng chuyền thất vọng, bất kể các ủy viên trong BCH nhiệm kỳ cũ chán nản, thì một vài cá nhân đang được cho là kiểm soát các hoạt động của VFV vẫn làm mặt lạnh, cố tình kéo dài thời điểm tổ chức đại hội theo ý mình.

Nhân sự vẫn luôn là vấn đề lớn đối với VFV, nhưng dù khó đến đâu thì cũng có cách giải quyết ổn thỏa nếu quy tụ được ý kiến tập thể và của những người tâm huyết. Thế nhưng lâu nay, đấy lại là điều xa xỉ. Hay nói cách khác, những người đang cầm trịch ở VFV tỏ ý coi nhẹ góp ý của các ủy viên BCH nhiệm kỳ cũ, cô lập họ trong đa phần các hoạt động của liên đoàn vài năm trở lại đây.

Những tưởng sau khi bóng đá tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới, bầu ra ban bệ đủ đầy, thì bóng chuyền - môn thể thao được xem là hấp dẫn không kém nhiều - cũng sẽ làm điều tương tự để cải tổ bộ máy đã rệu rã, góp sức cho sự phát triển chung của bóng chuyền Việt Nam. Song, VFV tiếp tục “bình chân như vại”, không đả động gì đến chuyện của tương lai.

Giới mộ điệu bóng chuyền vẫn mãi trông ngóng VFV tổ chức đại hội… Ảnh: Dũng Phương

Giới mộ điệu bóng chuyền vẫn mãi trông ngóng VFV tổ chức đại hội… Ảnh: Dũng Phương

Rất nhiều rắc rối nảy sinh trong hoạt động của bóng chuyền, từ chuyện chọn VĐV cho các ĐTQG còn bất cập, thiếu minh bạch, đến việc VFV không làm chủ được cuộc chơi, để mặc một số đội bóng xóa phiên hiệu... nhưng đều rơi vào quên lãng, hoặc người điều hành cố tình tránh né câu trả lời trước giới truyền thông.

Trao đổi với một số ủy viên trong BCH nhiệm kỳ cũ, rất ít người còn mặn mà với cuộc chơi, hầu hết đều cho rằng họ chọn cách “không thấy, không nghe và không nói” bất cứ điều gì về VFV, bởi vì có mạnh miệng mà nói những lời chân tình đi nữa cũng chẳng suy suyển được gì, có khi còn bị xếp vào diện “phá hoại” bóng chuyền nước nhà.

Chưa ai nhận lời ngồi vào ghế Chủ tịch VFV, thì đồng thời chẳng ai dám nhận ghế Tổng thư ký VFV nhiệm kỳ 6 tính đến thời điểm hiện nay. Với cách làm việc không giống ai và đánh mất niềm tin nhiều như lúc này, đúng là rất khó tìm được vị “minh chủ” thực sự cho bóng chuyền Việt Nam.

Ban đầu, vị chức sắc của ngành ngân hàng nọ rất hồ hởi nhận lời, song theo người trong giới, chính ông cũng cảm thấy bất ổn một khi chèo lái con thuyền bóng chuyền mà thủy thủ đoàn không đồng tâm, đồng sức, bị chia cắt thành nhiều phần khác nhau. Cũng có nghĩa, VFV không tạo dựng được niềm tin đối với những cá nhân mà họ mời chào gia nhập.

Đến bao giờ VFV mới tổ chức đại hội thì ngay chính những người trong cuộc cũng không khẳng định được vì tình trạng thiếu nhân sự, đặc biệt là cho vị trí chủ tịch liên đoàn. Trong khi đó, vị trí tổng thư ký dễ tìm người hơn, khi làng bóng chuyền còn rất nhiều cá nhân giàu tâm huyết, đủ điều kiện về năng lực chuyên môn để có thể tham gia điều hành hoạt động của VFV, chứ không phải như ý kiến bàn lùi của một vài cá nhân đang kiểm soát đường đi, nước bước của liên đoàn.

Nói tóm lại, những ai đang mong VFV tổ chức đại hội thì... hãy cứ chờ đấy!

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục