Công tác tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc 2026 sẽ được thảo luận kỹ

Hiện tại việc tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc chưa có quyết định cụ thể và Cục TDTT sẽ xem xét kỹ lưỡng trước khi làm việc với đơn vị chủ nhà TPHCM.

Phối cảnh khu thể thao Rạch Chiếc tại TPHCM. Ảnh: CỤC TDTT
Phối cảnh khu thể thao Rạch Chiếc tại TPHCM. Ảnh: CỤC TDTT

Trao đổi vào ngày 1-2, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định: “Đơn vị TPHCM đã gởi Đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc năm 2026 tới Cục TDTT. Chúng tôi sẽ còn họp với địa phương. Tuy nhiên, lúc này, Cục TDTT vẫn chậm lại một chút trước khi có văn bản trả lời. Tất cả chờ Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam tới năm 2030, định hướng tới năm 2024 được ban hành và sau khi có Chiến lược, ngành thể thao sẽ làm việc để cụ thể số môn, nội dung thi đấu dựa trên Đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc năm 2026 của TPHCM. Thể thao Việt Nam vẫn ưu tiên tuyệt đối tổ chức các môn Olympic, ASIAD trong chương trình thi đấu”.

Ông Đặng Hà Việt cũng nói thêm “các vấn đề về tỷ trọng, xếp hạng, suất tham dự Olympic, huy chương ASIAD, huy chương Olympic sẽ được ngành thể thao tính toán từ đó có xếp hạng các tỉnh, thành, ngành trong Đại hội thể thao toàn quốc. Chúng tôi sẽ làm việc rất nghiêm túc cùng TPHCM để tính toán về môn thể thao, số nội dung đưa vào tổ chức ở Đại hội thể thao toàn quốc năm 2026”.

Trước đó, TPHCM đã có văn bản về Đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc năm 2026 gởi Cục TDTT. Trong Đề án này, dự kiến số môn đưa vào tranh tài lên tới 60. Theo Đề án, TPHCM là địa điểm đăng cai chính, song hành có một số địa phương lân cận cùng tham gia tổ chức gồm Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Đồng Nai.

“Đại hội thể thao toàn quốc là dành cho các môn thể thao thành tích cao. Từng giai đoạn có sự phân bố, tính toán, động viên từng đơn vị tỉnh thành có sự hạn chế chuyên môn và điều kiện về kinh tế tham dự trong một số môn thể thao nhất định. Có nhiều ý kiến, trao đổi đưa đối với chương trình thi đấu khi một số môn đưa vào không phải môn thể thao thành tích cao, gặp bất cập.

Về điều này, Cục TDTT sẽ làm việc để có các quyết định trước khi tham mưu tới Bộ VH-TT-DL trong việc tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc sắp tới. Việc giành huy chương ở những môn thuộc thể thao dân tộc nằm trong chương trình thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc đối với những môn thuộc nhóm Olympic, ASIAD sẽ khó so sánh được ngang bằng nhau bởi tính chất thi đấu tranh huy chương rất khác nhau. Đồng thời, nhiều đơn vị phải đầu tư lớn mới giành được huy chương ở các môn thể thao thành tích cao. Chúng ta vẫn phải tập trung cho ASIAD, Olympic. Xu thế khi tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc, đơn vị đăng cai đều tính toán môn thế mạnh, nội dung thế mạnh của mình đưa ra tranh tài. Còn về định hướng của ngành, chúng ta cần đầu tư trọng điểm đúng nghĩa...”, ông Đặng Hà Việt phân tích.

Tại kỳ họp thứ 11 (tháng 9-2023), HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết cấp kinh phí đầu tư công trung hạn để sửa chữa và xây mới 6 cơ sở với tổng kinh phí 950,7 tỷ đồng. Theo tiến độ, các công trình này dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2025. Tại kỳ họp thứ 13 năm 2023, HĐND TPHCM cũng thông qua nghị quyết đầu tư BT 18 công trình trong lĩnh vực TDTT của thành phố.

Ở Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành VH-TT (ngày 10-1), một trong những nhiệm vụ được Sở VH-TT TPHCM đề ra là năm 2024 hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án đăng cai tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026.

Tin cùng chuyên mục