“Công nghệ” cổ động

Cổ động viên là một phần không thể thiếu trong bóng đá. Hay nói đúng hơn nếu không có cổ động viên thì bóng đá… chẳng biết để làm gì. Vậy nên người ta mới than phiền rằng một giải đấu mà ngày càng lèo tèo khán giả cũng có nghĩa là bản thân giải này không còn sức sống. Nhưng cũng có một thực tế là dù bóng đá có làm tổn thương biết bao trái tim đi nữa thì vẫn còn những cổ động viên trung thành, gắn bó và cổ vũ hết mình với đội bóng của riêng họ. Hình ảnh một cụ già ôm khư khư chiếc cúp mô hình với gương mặt thẫn thờ khi Brazil bại trận trong việc tranh chiếc huy chương đồng World Cup 2014 mới thấy ông yêu đội bóng này đến dường nào.

Cổ động viên là một phần không thể thiếu trong bóng đá. Hay nói đúng hơn nếu không có cổ động viên thì bóng đá… chẳng biết để làm gì. Vậy nên người ta mới than phiền rằng một giải đấu mà ngày càng lèo tèo khán giả cũng có nghĩa là bản thân giải này không còn sức sống. Nhưng cũng có một thực tế là dù bóng đá có làm tổn thương biết bao trái tim đi nữa thì vẫn còn những cổ động viên trung thành, gắn bó và cổ vũ hết mình với đội bóng của riêng họ. Hình ảnh một cụ già ôm khư khư chiếc cúp mô hình với gương mặt thẫn thờ khi Brazil bại trận trong việc tranh chiếc huy chương đồng World Cup 2014 mới thấy ông yêu đội bóng này đến dường nào.

Tình yêu bóng đá cũng khiến một số người trở thành người hâm mộ cuồng nhiệt của một đội bóng hoặc một cầu thủ nào đó. Hình ảnh anh chàng cổ động viên chạy băng băng vào sân chỉ để được… hôn lên giày của Messi là đủ để sau đó anh chấp nhận bị hàng chục cảnh sát “khiêng” ra khỏi sân. Ở Việt Nam, chưa thấy có cổ động viên nào cuồng nhiệt đến vậy, nhưng không vì thế mà việc cổ động của họ đơn điệu hay không có những pha gây sốc.

Trong trận Hoàng Anh Gia Lai - Quảng Nam diễn ra vào chủ nhật trên sân Pleiku, một nhóm nhỏ cổ động viên đội Quảng Nam thôi cũng đủ khiến cho ban tổ chức, cầu thủ lẫn khán giả mệt nhoài. Hết sức bài bản, các cổ động viên này trang bị một chiếc trống cái, nhiều kèn, cờ và… một chiếc loa thùng to đùng với công suất cực lớn. Vậy là chỉ cần gắn chiếc USB vào thùng loa và bật công tắc, các bài nhạc được chọn lọc chép sẵn vang rền khắp sân. Từ nhạc xưa đến nhạc nay, từ nhạc trữ tình đến sôi động, từ Đường chúng ta đi cho đến… Con bướm xuân, tất cả còn được hỗ trợ thêm bằng tiếng trống hết sức nhịp nhàng. Kết quả là chẳng còn ai nghe thấy tiếng còi trọng tài, cầu thủ thì không thể tập trung thi đấu. Ban tổ chức đã phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần yêu cầu cổ động viên không được bật loa làm ảnh hưởng trận đấu. Thế nhưng cho đến gần cuối hiệp 2 khi đích thân ban tổ chức leo lên khán đài “tịch thu phương tiện hành nghề” thì tiếng nhạc mới chịu im.

Nói về âm thanh, World Cup 2010 đã sản sinh ra tiếng kèn vuvuzela huyền thoại. Nhưng sau khi kiểm tra lại, FIFA đánh giá rằng vuvuzela là một “tội đồ” vì âm thanh quá khó chịu của nó. Âm thanh của vuvuzela không chỉ khiến cầu thủ và khán giả trên sân bị ức chế mà khán giả xem truyền hình cũng đôi khi cảm thấy mình như bị “tra tấn”. Vì vậy mà đến World Cup vừa rồi, một tổ chức về các trò chơi ở Brazil đã giới thiệu chiếc caxirola nhằm thay thế cho vuvuzela. Caxirola phát ra âm thanh khá nhỏ và dễ chịu. Người ta quy đổi ra rằng gần 30.000 chiếc caxirola mới cho âm thanh tương đương một chiếc vuvuzela. Thế nhưng khi vào tay các cổ động viên, caxirola không phải chỉ mang đến những điều dễ chịu. Đã có không ít chiếc caxirola bị ném đầy xuống sân bởi dáng vẻ “gọn gàng” dễ ném đi xa của nó!

Bóng đá ngày càng phát triển theo chiều hướng số hóa nên có vẻ như công nghệ cổ động cũng không chịu kém cạnh. Nhưng nếu sử dụng ngày càng thái quá thì bản thân cả hai sẽ không còn giữ được vẻ đẹp vốn có nữa.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục