Còn nước để mà tát?

Năm 2015 đang trôi về thời điểm cuối, nhưng thể thao Việt Nam vẫn chưa thêm một lần đón nhận tin vui trong cuộc chạy đua giành vé tham dự Olympic 2016. Liên tiếp các môn chủ lực điền kinh, TDDC, cầu lông thi đấu không thành công ở các sân chơi tính chuẩn đến Brazil năm tới…

Năm 2015 đang trôi về thời điểm cuối, nhưng thể thao Việt Nam vẫn chưa thêm một lần đón nhận tin vui trong cuộc chạy đua giành vé tham dự Olympic 2016. Liên tiếp các môn chủ lực điền kinh, TDDC, cầu lông thi đấu không thành công ở các sân chơi tính chuẩn đến Brazil năm tới…

Thể thao Việt Nam khá lo âu bởi đến hiện tại chưa thể giành thêm được chuẩn nào dự tranh Olympic 2016. Thậm chí, không khí chuẩn bị cho các cuộc tranh tài quốc tế rất ảm đạm, vì dường như bộ môn, ban huấn luyện một số đội tuyển đã xác định khả năng lấy vé không cao hoặc VĐV không đủ sức vươn đến đỉnh cao Olympic nên không đặt nặng chỉ tiêu, ngoại trừ nhóm môn điền kinh, TDDC, bơi lội, cử tạ, bắn súng, cầu lông.

Thể thao Việt Nam đang gặp khó khăn trong chiến dịch Olympic 2016. Ảnh: Dũng Phương

Chưa đến mức đáng báo động, vì từ nay đến khi Olympic 2016 khởi tranh, nhiều sự kiện thi đấu quốc tế khác vẫn được tổ chức và cơ hội dành cho các VĐV Việt Nam còn rất nhiều. Thế nhưng, điều đáng lo ở đây là sự thả nổi của giới chức quản lý, của các bộ môn thuộc Tổng cục TDTT đã tạo nên một sức ép không nhỏ đối với các đội tuyển. Họ bắt buộc phải thành công trong cuộc chiến giành vé đến với mùa hè Brazil năm sau. Chuyện mà thành, không chỉ họ được hưởng lợi, mà giới chức còn có cái để hỉ hả, báo cáo trước lãnh đạo cao hơn. Nhưng nếu thất bại, thầy trò các đội tuyển hứng chịu sự chỉ trích hoặc mỉa mai là chính.

Ở đây, khi đánh giá cách chuẩn bị của thể thao Việt Nam cho đấu trường danh giá Olympic, chính người trong giới còn thừa nhận rằng nó rất nghiệp dư và thiếu chiến lược, nên chẳng ai dám tin thành công sẽ “bỗng dưng” tìm đến. Khi mà cái tư duy “thời vụ” và căn bệnh “đổ thừa” cho HLV và VĐV từ lâu đã ăn sâu, bám rễ trong tâm thức của giới quản lý thể thao, thì không thể mong chờ một cú đột phá mãnh liệt nào đó vào tương lai.

Thì đấy, sau khi có thông tin VĐV Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) đối diện với nguy cơ mất chuẩn dự Olympic ở các cự ly 400m và 400m rào nữ, Tổng cục TDTT liệu có sốt ruột tìm kiếm môi trường tập huấn và chọn những giải đấu nào phù hợp cho VĐV cải thiện thành tích, hay tiếp tục đá quả bóng trách nhiệm cho nhau, để rồi khi thất bại, các bên liên quan lao vào chỉ trích nhau?

Chuyện những gương mặt triển vọng Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đinh Phương Thành “thi trượt” ở giải VĐTG 2015, vậy còn cơ hội nào cho họ giành vé đến Brazil 2016, ngoại trừ giải đấu vớt diễn ra sau đây vài tháng nữa? Rồi chuyện đội tuyển cử tạ đang âu lo với tình trạng chấn thương của lực sĩ Thạch Kim Tuấn, cầu lông trăn trở cùng Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang và môn từng được xem là mũi nhọn như taekwondo rốt cuộc có chút duyên may nào trong cuộc chạy đua này hay không…? Hỏi tức là cũng đã tự trả lời, vì sự quan tâm của ngành thể thao trong chuyện này hình như là rất yếu, chưa hề thấy sâu sát và mang tính động viên kịp thời.

Thành thử, người ta nói rằng thể thao Việt Nam giống như đang “đếm cua trong lỗ”, luôn chờ đợi điều kỳ diệu xảy đến với mình, thay vì phải đầu tư quyết liệt, chấp nhận tiêu pha tốn kém cho cả chiến dịch lớn có tính trọng tâm mới mong tìm được chút danh vọng ở đấu trường thế giới, Olympic.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục