Chính vì thế mà với những đội có nhiều kinh nghiệm như khu vực ĐBSCL thì việc trụ hạng không là chuyện quá khó. Nhưng để các sân bóng ở khu vực này sáng đèn vào mỗi cuối tuần ở V-League thì tôi nghĩ là còn lâu lắm. Chứ tình hình như hiện nay, nếu có lên hạng thì cũng chỉ là sự vội vàng để rồi lại chật vật đua trụ hạng như tình cảnh mà Long An, Kiên Giang hay Cần Thơ đã từ nếm trải.
Vấn đề ở bóng đá khu vực này chính là việc tìm kiếm những nhà đầu tư mang tính lâu dài, thay vì chỉ tham gia vào trong một giai đoạn ngắn ngủi. Mặt khác, các nhà quản lý bóng đá hay cao hơn là cấp Sở VH-TT cần có tham mưu với lãnh đạo tỉnh, thành về cơ chế cho những nhà đầu tư, có như vậy thì bóng đá khu vực này mới sớm vững mạnh trở lại.
Còn hiện tại, nhìn vào thực lực của cả 4 đội hạng Nhất hiện nay thì rõ ràng là chưa lấy gì làm đảm bảo cho định hướng thăng hạng cả đâu. Có nơi thì hạn chế về kinh phí, nơi thì chưa có chiều sâu về lực lượng mà nếu có lên hạng thì cũng lại chi tiền để hội tụ đủ quân để dự giải, điều đó chẳng có tính căn cơ nào cả. Như Cần Thơ vậy, làm bóng đá chuyên nghiệp nhiều năm nay nhưng cứ vào mỗi dầu mùa là tốn nhiều kinh phí để mua sắm lực lượng.
Điều quan trọng khác là nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL chưa có tầm nhìn đúng về bóng đá của địa phương mình. Ngay như 4 đội hạng Nhất hiện tại, chất lượng từ nguồn nhân lực của họ từ quản lý cho đến HLV, tôi nghĩ chưa hội tụ được nguồn nhân lực đủ mạnh để có những tính toán cho chiến lược mang tính đường dài cho bóng đá tỉnh nhà.
Vẫn còn nhiều hạn chế ở bóng đá ĐBSCL mà rõ ràng là chúng ta không có những nhà đầu tư mang tính chiến lược đường dài mà hầu hết chỉ là ngắn hạn.