Con cá và cần câu

Chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam do HLV Phan Thanh Hùng bỏ lại vẫn đang bỏ trống. VFF loay hoay tìm người lấp chỗ trống, nhưng dấu hỏi lớn nhất không phải chuyện tìm ai ngồi vào mà chính là lựa chọn con cá hay cái cần câu.
Con cá và cần câu

Chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam do HLV Phan Thanh Hùng bỏ lại vẫn đang bỏ trống. VFF loay hoay tìm người lấp chỗ trống, nhưng dấu hỏi lớn nhất không phải chuyện tìm ai ngồi vào mà chính là lựa chọn con cá hay cái cần câu.

Không vô cớ mà Tổng cục TDTT kiên định với phương án thầy nội, bấp chấp luồng ý kiến nên chọn thầy ngoại của VFF hay Hội đồng HLV quốc gia. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Phó Chủ tịch VFF, nói rằng Tổng cục không ép VFF, nhưng không thể “nay nói thế này, mai xoay hướng khác”. Đấy là lý do ông Tuấn khi đóng 2 vai, kiên trì tìm kiếm HLV nội đủ tầm cầm quân trên tuyển để gửi gắm.

Việc chọn HLV ngoại hay nội cho đội tuyển cũng đều nhằm mục đích đạt hiệu quả, nhưng có 2 mục tiêu: ngắn hạn và lâu dài. Ảnh: Dũng Phương

Việc chọn HLV ngoại hay nội cho đội tuyển cũng đều nhằm mục đích đạt hiệu quả, nhưng có 2 mục tiêu: ngắn hạn và lâu dài. Ảnh: Dũng Phương

Thật ra, việc chọn một thầy nội với mức giá tối đa 200 triệu đồng/tháng chẳng phải là mức lương quá đắt đỏ. So với mức lương khoảng 22.000 USD/tháng của ông Calisto hay Falko Goetz từng nhận được, lương của thầy nội nếu trả tối đa cũng chỉ là “muỗi” so với thầy ngoại. Mấu chốt là HLV nội có thỏa mãn và đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe trên chiếc ghế nóng.

Khi thất bại với HLV Phan Thanh Hùng, nội bộ VFF cũng đã từng chia rẽ theo 2 hướng: tiếp tục ủng hộ ông Hùng làm thêm và đồng ý với lá đơn từ chức của HLV người Đà Nẵng. Việc chấp nhận cho ông Hùng từ chức, có vẻ nguyên nhân nằm ở chỗ, VFF cần một tấm bia sau nỗi đau ở AFF Cup hơn là không tin ông Hùng có thể làm lại nếu tiếp tục được tin tưởng. Và đấy là lý do khởi phát cho quan điểm, VFF cần ngay một ông thầy ngoại thế chỗ của HLV Phan Thanh Hùng, thay vì tiếp tục đặt niềm tin vào thầy nội.

o0o

Mới đây, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung thừa nhận thực tế phũ phàng: Việt Nam đang hiếm cầu thủ giỏi. Ông Trung không phải người làm chuyên môn, nhưng cũng đưa ra quan điểm rằng, cần làm lại từ cái gốc là cầu thủ chứ không phải gấp rút tìm đến một ông thầy ngoại giá cao. Bản thân ông Trung cũng nghi ngại, kể cả khi VFF được tài trợ nửa triệu USD trả lương cho HLV ngoại, nếu cuộc tài trợ ấy bỗng dưng nửa đường đứt gánh, VFF mới là đơn vị chịu gánh nặng lương bổng của thầy ngoại. Ông Trung ủng hộ phương án thầy nội.

Trên thực tế, phương án dùng thầy nội mới được VFF sử dụng không đầy nửa năm và thất bại. Hiệu quả thu nhận và cái yếu của giải pháp thầy nội chưa được VFF đánh giá một cách toàn diện. VFF có vẻ cũng thiếu kiên nhẫn với thầy nội, vì chỉ không đầy vài tháng tin dùng HLV Phan Thanh Hùng thất bại, có hẳn xu hướng nhao lên muốn dùng thầy ngoại. Nếu quyết theo phương án ấy, đồng nghĩa VFF cho chết yểu một xu hướng mà họ vừa thử nghiệm.

Dùng thầy ngoại, đương nhiên VFF bớt phải suy nghĩ vì áp lực, một khi chẳng may thất bại. Nhưng nó chẳng khác gì chọn con cá để phục vụ mục tiêu ngay lập tức. Chỉ có điều, khi “lọc và xơi” hết con cá, VFF sẽ dùng cái gì cho tương lai khi luôn phải phụ thuộc vào thầy ngoại như suốt 1 thập niên vừa qua?

Nói ví von, thầy nội như chiếc cần câu, phải kiên nhẫn để đeo đuổi với định hướng của mình. Nhưng bây giờ, VFF đang muốn chọn con cá, thay vì cái cần câu. Thầy nội sẽ mệt, nhọc đầu và có thể phải kiên nhẫn, chấp nhận với thất bại, nhưng nó là cách phát huy nội lực ổn định nhất.
VFF chọn con cá hay chiếc cần câu?


Thanh Chi

Tin cùng chuyên mục