Coi chừng rơi vào vết xe cũ

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến và lãnh hậu quả khi nhìn nhận kết quả của một vài trận đấu để từ đó định hướng, xây dựng mục tiêu phát triển. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nền bóng đá mãi chưa bứt phá được mặc dù tiềm năng không thiếu.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến và lãnh hậu quả khi nhìn nhận kết quả của một vài trận đấu để từ đó định hướng, xây dựng mục tiêu phát triển. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nền bóng đá mãi chưa bứt phá được mặc dù tiềm năng không thiếu.

Khi V-League ra đời, cầu thủ trở nên có giá qua các phi vụ chuyển nhượng. Đây là xu hướng tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng cái lạ của V-League là không để xu hướng tự phát triển mà mọi thứ bị ai đó đẩy lên theo chủ quan của mình. Hàng loạt “ngôi sao” được sản sinh qua bàn tay của các tay cò chuyển nhượng, đẩy giá trị cầu thủ ở V-League lên tận mây xanh. Giá trị ảo này đã một thời làm mưa làm gió. Một cầu thủ chỉ chơi được vài trận may mắn đã được đẩy lên hàng ngôi sao, và sau đó là giá trị chuyển nhượng cứ thế mà tăng lên từng ngày. Các câu lạc bộ đua nhau xếp hàng chờ chữ ký, tiền lót tay cũng từ đó mà tăng vùn vụt. Một giai đoạn sống với các giá trị ảo như thế khiến V-League từng được kỳ vọng là giải đấu có chất lượng trong khu vực, giúp bóng đá Việt Nam phát triển có định hướng đã trở thành một giải kém chất lượng. Khi đã thấm thía bởi tác hại của các giá trị ảo, cầu thủ trở lại đúng vị trí thì vỡ mộng vì cứ nghĩ mình đã là ngôi sao sáng giá, câu lạc bộ vỡ nợ vì bạo chi mua sắm ngôi sao, giải đấu thì đầy bạo lực và “đi đêm” kiếm điểm, V-League rơi vào khủng hoảng thật sự. Đến lúc đó, người ta mới nhận ra đâu là nguyên nhân và bắt đầu chấn chỉnh để hiện nay giải đấu quốc gia này có thể nói là tạm khắc phục được những “điểm đen” để củng cố và phát triển mới hơn.

Cách đây vài năm, ở một giải giao hữu, các cầu thủ trẻ lứa U.19 thi đấu tưng bừng khiến người xem nức lòng. Sau đó, họ còn thắng cả đội bóng đồng lứa của Australia, chơi ngang ngửa với các cầu thủ Nhật Bản cùng độ tuổi. Trên cơ sở đó, không ít người đã nghĩ đây là “cứu tinh” của bóng đá Việt Nam. Có người có trách nhiệm còn tự tin rằng chỉ cần với lứa cầu thủ này, bóng đá Việt Nam từ đây về sau sẽ làm mưa làm gió trong khu vực. Thế nhưng, mọi thứ trở lại vết xe cũ. Dù được nâng niu, tạo khá nhiều điều kiện nhưng những cầu thủ xuất sắc khi đó đến nay vẫn chưa khẳng định được đầy đủ tài năng, bản lĩnh để có thể xem là một thế hệ tài năng tiếp theo của bóng đá Việt Nam. Họ thi đấu vật vờ ở V-League khiến đội bóng suýt bị xuống hạng, vài cầu thủ được gọi tập trung đội tuyển quốc gia thì không thể hiện được gì. Hóa ra, sự xuất sắc của họ chỉ thể hiện được ở lứa trẻ và chỉ qua một vài trận đấu, trong khi để trở thành một tài năng bóng đá thật sự thì phải kiên trì rèn luyện, thể hiện được tài năng ở nhiều môi trường, giải đấu khác nhau.

Giờ đây, chỉ qua một hai trận đấu thi đấu tưng bừng ở giải trẻ của U.21 HAGL, vài ý kiến đã đề xuất lấy nguyên cả đội hình này vào đội tuyển thi đấu SEA Games. Người đưa ra ý kiến có ý tốt nhằm phát triển bóng đá Việt Nam, nhưng để đi đến quyết định từ đơn vị có trách nhiệm thì phải cân nhắc trên cơ sở khoa học và trách nhiệm. Không khéo, việc vồ vập này lại đi theo vết xe của nhiều lần vội vã trước đó khiến bóng đá Việt Nam cứ tự loay hoay mà không vượt lên được.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục