Có những thứ không học được

U19 Việt Nam thua Myanmar

Thua U19 Myanmar trong trận chung kết Cúp bóng đá Hassanal Bolkiah 2014, đa số người hâm mộ vẫn cho rằng đội U19 Việt Nam vẫn làm họ hài lòng. Giới chuyên môn cũng tin rằng thất bại nói trên cũng không phủ nhận sự tiến bộ của U19 Việt Nam tại giải đấu mang tính giao hữu do Brunei tổ chức.

Thất bại là mẹ thành công, thua một trận đấu cũng chẳng chưa nói lên điều gì nhất là khi nhiệm vụ chính của U19 Việt Nam là chơi tốt tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng sắp đến tại Hà Nội và sau đó là VCK U19 châu Á ở Myanmar. Tuy nhiên, có những thứ không thể cứ kiên trì, nỗ lực, chịu khó học hỏi là có thể làm tốt hơn được.

U19 Việt Nam hay thiếu sức rướn ở những pha dứt điểm cuối cùng. Ảnh: Đông Huyền

Như thể hình, thể lực của các cầu thủ U19 Việt Nam kém xa so với U19 Myanmar. Trong trận chung kết hôm 23-8 vừa qua, dễ nhận thấy nguyên nhân thể lực đã khiến các cầu thủ Việt Nam không theo được các pha bóng cuối trận của đối thủ, không đủ sức rướn ở vài tình huống có thể gỡ hòa. Trước đó, trong trận bán kết, U19 Việt Nam thắng U19 Thái Lan một phần nhờ hơn người chứ nếu xét về mặt hình thể, cầu thủ Việt Nam thua kém nghiêm trọng. Đành rằng trong bóng đá, có thể lấy kỹ thuật để đối chọi với lối chơi “lấy thịt đè người” nhưng một khi thể hình nhỏ bé thì cũng khó mà tăng được thể lực trong thi đấu, đặc biệt là khi tham gia những giải đấu dài ngày, yêu cầu sự tích lũy lớn về sức bền. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngay cả “lò” đào tạo nổi tiếng như HAGL - Arsenal JMG cũng chỉ mới tuyển học viên theo kỹ năng chứ chưa đặt nặng tố chất hình thể. Hơn nữa, nếu đưa tiêu chí thể hình vào thì chưa chắc có người để tuyển vì đa số các cậu bé yêu thích bóng đá đều đến từ “vùng sâu, vùng xa” trong khi trẻ em tại những thành phố có tố chất tốt lại chẳng mê gì nghiệp “quần đùi, áo số”.

* * *

Một cái muốn học cũng chẳng học được nữa đó là… năng lực của HLV. Một HLV 7 năm trời chuyên dạy kỹ năng chơi bóng, nay lại là cầm quân thi đấu giải, là chuyện hiếm có trên thế giới.

Nếu điều này xảy ra ở lứa tuổi U13, U15 thì được bởi các em chưa cần học nhiều về chiến thuật, chưa thi đấu thường xuyên. Tuy nhiên, như trường hợp U19 hiện nay thì không ổn chút nào vì lứa tuổi này lẽ ra cần được một HLV chuyên cầm quân đá giải dẫn dắt để truyền đạt kinh nghiệm thi đấu thực tế cho cầu thủ.

Tính từ giải U19 Đông Nam Á năm ngoái đến nay, U19 Việt Nam đá tổng cộng 41 trận lớn bé, chính thức và giao hữu, một con số quá nhiều  đủ để phát triển tư duy chiến thuật cũng như cải thiện những điểm yếu đặc biệt tại hàng phòng ngự. Tuy nhiên, đến nay U19 Việt Nam chỉ mới hơn đối phương về khả năng phối hợp, kỹ thuật chơi bóng chứ hoàn toàn không có những “chiêu thức” thi đấu cụ thể trước từng đối thủ.

Tất nhiên, các cầu thủ có trình độ văn hóa tốt như U19 Việt Nam hoàn toàn có thể học chiến thuật rất nhanh nhưng một khi người ta cứ “ấn” cho họ một cách chơi, với một ông thầy quen dạy học hơn là ‘đánh trận” thì cầu thủ muốn học cũng chẳng được.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục