Cơ chế thoáng

Mối tương tác giữa Tổng cục TDTT và các địa phương từ lâu đã hình thành một cơ chế đầu tư thông thoáng dành cho những VĐV tài năng và có triển vọng. Tức là khi mỗi bên chịu một nửa chi phí đầu tư, gánh nặng được giảm bớt nhưng trách nhiệm chăm lo cho VĐV lại được nâng lên mức cao hơn, ràng buộc các đơn vị quản lý với nhau.

Rõ ràng, cơ chế này đang tạo ra những thay đổi đáng kể đối với thể thao Việt Nam trong xu thế phát triển hiện đại. Thay vì đầu tư dàn trải và thiếu trọng điểm như cách đây vài năm, các địa phương giờ đã thận trọng và quy củ hơn khi đánh giá và xây dựng chiến lược đào tạo VĐV tài năng cho mình. Đồng thời, chính Tổng cục TDTT cũng thoát được cảnh phải xé lẻ nguồn kinh phí hoạt động cho quá nhiều nhóm môn cùng lúc mà hiệu quả mang lại không cao, đặc biệt ở nhóm môn Olympic.

Khi đã tập trung được nguồn lực tài chính cho kế hoạch xây dựng lực lượng, rõ ràng các địa phương cũng ý thức hơn trong tìm kiếm và phát hiện VĐV tài năng để đầu tư. Chẳng hạn, điền kinh Thanh Hóa đang đặt trọn niềm tin vào 3 gương mặt Lê Trọng Hinh, Quách Thị Lan và Quách Công Lịch. Cả ba đang nằm trong diện được đầu tư cho đấu trường Olympic 2016 và Asiad 2018 theo đúng cơ chế “Tổng cục và địa phương cùng làm”.

Ngành TDTT Quân đội, Đà Nẵng, Hải Phòng cũng đang dồn sức cho Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước (bơi lội), Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), bên cạnh 2 trung tâm hàng đầu cả nước là TPHCM và Hà Nội cũng theo cơ chế mới như vậy. Chính vì có sự chọn lọc VĐV để đầu tư nên chất lượng luôn được đảm bảo. Tức là những gương mặt nói trên đã đạt đến trình độ châu Á, thế giới và luôn giữ vai trò quan trọng trong mỗi chuyến xuất ngoại của thể thao Việt Nam.

Tất nhiên, dù rất muốn làm theo cách này, nhiều địa phương không đủ sức chia sẻ kinh phí cùng Tổng cục TDTT để đưa VĐV ra nước ngoài tập luyện, thi đấu dài ngày nhằm nâng cao thành tích. Đến mức, nhiều người cám cảnh thay cho điền kinh Nam Định - nơi từng khiến bạn trong giới choáng ngợp vì rất chịu khó vung tiền đầu tư - giờ đây không lo nổi kinh phí để VĐV Nguyễn Thị Huyền đi tập huấn và thi đấu bảo vệ 2 suất chính thức dự Olympic mà cô giành được tại Singapore 2015.

Đến mức, Bạc Liêu và Bến Tre hiện giờ đang loay hoay không biết nên tiếp tục chi tiền để giữ 2 VĐV nhảy cao Dương Thị Việt Anh và Phạm Thị Diễm trong chương trình đào tạo đặc biệt, hay thu gọn lại và chỉ hướng tới đấu trường SEA Games quen thuộc, thay vì tạo sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa.

Nhưng ngay cả đối với những trung tâm vốn được cho là mạnh cả về nhân lực lẫn tài chính như thể thao TPHCM đôi khi cũng chẳng dễ dàng khi áp dụng cơ chế này. Trường hợp đầu tư cho VĐV bơi lội Nguyễn Diệp Phương Trâm là thí dụ điển hình. Bằng cách này hay cách khác thì TPHCM vẫn kiên quyết giữ tài năng trẻ này ở lại. Kéo theo đó, theo thống nhất ban đầu giữa gia đình VĐV và Sở VH-TT TPHCM, Phương Trâm sẽ được đầu tư theo chuyên biệt và trên tinh thần hỗ trợ đến mức tối đa mọi điều kiện giúp cô phát triển nghề nghiệp.

Tuy nhiên, vì chưa có tiền lệ đầu tư riêng lẻ và ở mức cao cấp giống như những gì mà VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên đang được TDTT Quân đội và Tổng cục TDTT chia sẻ trách nhiệm, nên TPHCM vẫn phải xin cơ chế 50-50 với Tổng cục cho Phương Trâm, bởi lẽ không chỉ bơi lội mới có VĐV tài năng, còn rất nhiều môn khác (cử tạ, xe đạp, bắn súng, đấu kiếm, cầu lông, điền kinh…) cũng cần được quan tâm đầu tư đặc biệt.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục