Đội nữ bay từ Nhật Bản về Việt Nam, rồi sang ngay Malaysia. Suốt quá trình đó các cầu thủ không được ăn gì, đành nhai tạm mì gói và phải nghỉ ngơi đến nửa ngày mới hồi phục thể lực.
Trong những khó khăn đó, có cái thuộc về khách quan do nước chủ nhà không quá quan tâm đến điều kiện của môn bóng đá - vốn chỉ được xem như một môn thi đấu khác tại đại hội. Không chỉ thiếu sân tập mà ngay cả sân thi đấu chính cũng được tận dụng từ nhiều nơi khác nhau, chất lượng mặt cỏ không đủ tiêu chuẩn. Những đội bóng có tham vọng như Thái Lan, Việt Nam… đã phải lên tiếng phàn nàn BTC.
Nhắc đến điều này bởi hồi năm 2014, khi sang Malaysia đá vòng loại U.23 châu Á dù chỉ vài ngày, nhưng đội tuyển U.22 khi đó có hẳn một nhóm đầu bếp từ Việt Nam sang để phục vụ các bữa ăn. Ai cũng biết, có được “ưu đãi” đó là vì sự nhiệt tình của một nhà tài trợ vốn liên quan đến nhóm cầu thủ của HA.GL. Nói như vậy để thấy, việc có một chuyên gia dinh dưỡng đi kèm các đội bóng chẳng phải là chuyện khó làm, quá tốn kém, trong khi việc ăn ngon, ngủ khỏe luôn rất quan trọng với cầu thủ. Cứ tưởng sau tiền lệ đó, cách chuẩn bị của các đội tuyển sẽ khác hơn, ai ngờ đến SEA Games lần này vẫn… điệp khúc mì gói.
Tất nhiên, chuyện ăn mì không có gì không tốt, nhưng thật khó hiểu khi chúng ta có thể bố trí được những chuyến tập huấn tốn kém mà lại không thể đầu tư cho các bữa ăn của cầu thủ. Dù cũng chỉ là 1 trong số 39 môn thể thao, nhưng thời gian thi đấu của các cầu thủ luôn gấp 5-6 lần so với những VĐV khác dự SEA Games, chưa kể mật độ thi đấu 2 ngày/trận ở môn bóng đá nam là vô cùng khắc nghiệt. Các món ăn tại Malaysia chắc chắn là không hợp khẩu vị và chuyện cầu thủ dùng mì gói làm bữa chính có thể xảy ra.
Đặt mục tiêu cao nhất là HCV cho các đội tuyển, chuẩn bị hơn 1 tháng trời, nhưng không lẽ nếu thất bại, lại đổ lỗi vì ăn thiếu dinh dưỡng?