Chuyện thể lực

Đội tuyển Việt Nam vừa tập trung để chuẩn bị lượt trận thứ ba vòng loại World Cup 2018. Đối thủ sắp tới của thầy trò HLV Miura là Iraq và Thái Lan, hai đội bóng mạnh của khu vực. Nếu như trước đây, khi tiếp các đối thủ mạnh tương tự, dư luận trong nước chỉ mong đá coi được chứ không nghĩ đến chiến thắng. Còn bây giờ, dù chất lượng đội tuyển chưa khá hơn, nhưng yêu cầu đặt ra là đá vừa coi được lại vừa phải thắng. Nếu thua, chắc chắn rằng đội tuyển sẽ bị mổ xẻ, mà nhất là vị trí huấn luyện viên của ông Miura.

Nhìn vào thành phần tập trung lần này sẽ thấy ông Miura vẫn trung thành theo triết lý của mình: tuyển thủ quốc gia phải hội đủ kỹ thuật và tầm vóc, thể lực thi đấu đến hết trận. Dưới thời của ông, không có cửa cho những cầu thủ chạy hết hiệp 1 đã hụt hơi, hoặc lép vế trong các pha tì đè với đối phương. Đáng tiếc, chỉ vừa tập trung đã có đến 3 cầu thủ chấn thương hoặc không đủ sức khỏe buộc ông Miura phải gọi 3 cầu thủ khác thay thế, trong đó có tiền đạo Công Phượng, vốn được vị huấn luyện viên này gọi là “cầu thủ của tương lai”.

Đội tuyển xây dựng trên nền tảng sung mãn thể lực cùng lối chơi khoa học ấy là nét rất mới của bóng đá Việt Nam. Qua nhiều đời huấn luyện viên ngoại trước đây, người hâm mộ đều nghe nói đến câu chuyện cầu thủ Việt có thể lực yếu, không đủ sức thi đấu bình thường đến hết trận. Thời HLV Dido, ông còn dắt cầu thủ chạy bộ trên bãi biển vào sáng sớm, được xem là bài rèn thể lực hiệu quả lúc ấy. Thế nhưng, có vẻ như dù có áp dụng hết bài này đến bài khác thì tình trạng thể lực các tuyển thủ vẫn chưa thể khá hơn.

Thể lực không đảm bảo, thể hình thua sút khiến nhiều cầu thủ không duy trì được phong độ khi đi sâu vào một giải nào đó. Ngay cả trong một trận đấu, sự yếu thế càng rõ khi càng về cuối trận. Nhiều người thích dùng cụm từ “cầu thủ chúng ta đã cống hiến đến 100% sức lực” với ý khen ngợi họ chơi hết mình, nhưng kỳ thực điều này lại cho thấy bản chất của yếu thể lực. Đã tung hết toàn bộ sức lực nên không còn sức để đá trận sau, lại rất dễ chấn thương khi cố gắng quá sức, trong khi nếu tốt hơn chỉ cần 70% sức tung ra mà thi đấu tốt thì sức bền được duy trì.

HLV Miura dần dần cải thiện được vấn đề thể lực của đội tuyển. Tuy nhiên, để có được điều này, ông buộc phải chọn những cầu thủ có nền tảng thể lực và thể hình tốt, thi đấu nhiệt tình và không ngại tì đè đối phương. Tất nhiên, thể lực phải đi đôi với kỹ thuật mới có thể đáp ứng được tốc độ cao của trận đấu. Ngược lại, một cầu thủ có kỹ thuật tốt nhưng không đảm bảo thể lực thì rất khó đảm bảo yêu cầu chiến thuật. Điều này lý giải vì sao rất nhiều cầu thủ được xem là có kỹ thuật tuyệt vời như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… lần lượt rơi rớt dần khỏi các đợt tập trung của đội tuyển ở các cấp độ khác nhau.

Làn gió mới mà ông Miura mang đến cho đội tuyển ấy đã chịu không ít chỉ trích. Người ta cho rằng ông Miura khuyến khích lối chơi cơ bắp, có phần quá rắn, trong khi cầu thủ Việt Nam phù hợp với lối đá kỹ thuật hơn. Điều này đúng khi lối đá kỹ thuật ấy được xây dựng trên nền tảng thể lực sung mãn, trong khi đa số cầu thủ của ta được cái này lại thiếu cái kia. Ngoài ra, bóng đá hiện đại không còn chỗ cho lối đá thuần kỹ thuật nữa. Những ai mê mẩn Brazil hay Bồ Đào Nha với lối đá hào hoa trước kia giờ cũng phải chấp nhận họ đá hiện đại hơn. Vậy nên, muốn thầy trò ông Miura thắng thì cũng nên tôn trọng cách xây dựng đội hình và phong cách đá của đội tuyển, tránh xu hướng cái gì cũng phê phán như vừa qua.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục