Chuyện cái tên

CLB Đồng Tâm Long An đã chính thức đổi tên thành CLB Long An để tham gia V-League từ mùa bóng 2016. Tuy nhiên, đây không đơn thuần là chuyện đổi tên, mà đằng sau đó là một sự chuyển đổi rất lớn về mô hình bóng đá chuyên nghiệp.

CLB Đồng Tâm Long An đã chính thức đổi tên thành CLB Long An để tham gia V-League từ mùa bóng 2016. Tuy nhiên, đây không đơn thuần là chuyện đổi tên, mà đằng sau đó là một sự chuyển đổi rất lớn về mô hình bóng đá chuyên nghiệp.

Người không quan tâm thì cho rằng Đồng Tâm Long An bị “xóa sổ”, người hiểu chuyện thì hy vọng đây là sự chuyển đổi đánh dấu bước phát triển mới cho môi trường bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Từ khi V-League ra đời, đánh dấu nền bóng đá chuyển sang giai đoạn chuyên nghiệp đến nay, các đội bóng tham gia đều có những cái tên… rất dài. Dài ở đây không tính về con chữ mà nó luôn được ghép tên của địa phương đội bóng với một doanh nghiệp nào đó. Cứ một doanh nghiệp nào bỏ tiền ra nuôi đội bóng thì đương nhiên được quyền đổi tên đội bóng đó và ai cũng chọn phương án gắn tên doanh nghiệp vào trước tên đội bóng cũ. Không hề có quy định nào, nên doanh nghiệp cũng mặc định cái quyền đưa tên mình đứng trước tên đội bóng chứ không ai chịu đứng sau.

Về mặt thương hiệu trong kinh doanh, cách làm này đã giúp không ít doanh nghiệp từ chỗ vô danh đã phất lên nhanh chóng, thậm chí có những doanh nghiệp xuất phát rất nhỏ nay đã trở thành tập đoàn lớn cũng nhờ cách… ghép tên này. Ở các nền bóng đá phát triển, các nhà đầu tư, các ông trùm sau khi có vị thế vững chắc trên thương trường mới bỏ ít tiền mua đội bóng, xem đó là một cách đầu tư nhàn rỗi hoặc thậm chí là thú chơi cho vui. Nhưng bỏ tiền, thậm chí bỏ ra số tiền cực lớn là một chuyện, còn chuyện gắn tên doanh nghiệp vào đội bóng thì đừng mơ. Còn ở ta, không ít doanh nghiệp “chết” vì bóng đá, nhưng có thể khẳng định có những doanh nghiệp nhờ bóng đá mà tên tuổi được biết đến một cách nhanh chóng.

Có lẽ khi chuyển sang chuyên nghiệp, các nhà điều hành bóng đá không quản hết được mọi thứ nên cứ “thả cửa” cho việc đặt, đổi tên đội bóng. Cho đến khi rơi vào khủng hoảng, người ta mới thấy việc đặt tên này khiến cho không câu lạc bộ phá sản hoặc lao đao lận đận. Đó là khi ông bầu đội bóng “buồn phiền” hoặc doanh nghiệp khó khăn, bèn không còn mặn mòi với đội bóng thì đội bóng đó rơi vào khủng hoảng. Cái cơ chế một ông bầu một đội bóng giúp bóng đá chuyên nghiệp khởi sắc nhưng cũng là nguy cơ lớn đưa nó vào khủng hoảng. Ở V-league đã chứng kiến các trường hợp này, tiếc là các nhà điều hành không có ý kiến hoặc giải pháp gì để thay đổi.

Và cũng đến lúc tự thân các câu lạc bộ nhận ra và tự tìm cho mình con đường mang tính bền vững hơn. Đó là không còn chuyện một ông bầu độc quyền và nắm quyền sinh sát đội bóng, chuyện này sẽ do nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn. Khi đó, một nhà đầu tư muốn rút thì đội bóng vẫn không bị ảnh hưởng gì. Điều này giúp hoạt động của câu lạc bộ ổn định, thuận lợi cho các chiến lược lâu dài. Nó cũng loại bỏ những người muốn gắn cái tên vào để lấy tiếng và làm chuyện khác phía sau bình phong bóng đá. Mô hình này, đương nhiên, xóa luôn tình trạng tên doanh nghiệp gắn trước tên đội bóng vốn một thời là nhận diện rõ nhất của V-league.

CLB Long An sẽ gặp không ít bỡ ngỡ với mô hình “tự thân vận động” này. Nhưng hy vọng đây sẽ là hướng ra cho một V-league vốn chịu sự chi phối lớn của cách làm “thử nghiệm” và tự ghè vào chân mình lâu nay.

PHƯƠNG NAM
 

Tin cùng chuyên mục