“Chửi” tập thể

Ban tổ chức sân Lạch Tray (Hải Phòng) vừa bị Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng do để khán giả đốt pháo, ném các đồ vật xuống sân và đồng thanh có lời lẽ thô tục đối với đội khách trong trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội T&T ở vòng 20 V-League. Đây không phải lần đầu ban tổ chức sân này bị phạt, nhưng lần này hành vi bị phạt trước nay chưa từng xuất hiện, đó là sự cố mà dư luận gọi chính xác là “chửi tập thể”. Hành vi mới và nguy hiểm nên Ban kỷ luật VFF cũng kiến nghị Thường trực VFF đề nghị Tổng cục TDTT gửi văn bản phối hợp với Thành ủy, UBND TP Hải Phòng để giải quyết căn cơ tình trạng này.

Hooligan nổi tiếng và được ngán ngại nhất có lẽ là ở Anh. Ngoài ra, bóng đá Italia, Nga, Đức… đều không ít tai tiếng bởi tình trạng cổ động viên gây rối rồi choảng nhau trên khán đài hoặc bên ngoài sân. Thậm chí, nhiều vụ choảng nhau gây chết người cũng từng xảy ra. Niềm đam mê, tình yêu bóng đá nhưng thiếu kiềm chế hoặc nhận thức sai lệch đã dẫn đến tình trạng trên. Ban tổ chức giải cũng như nhà chức trách các nước đã có rất nhiều giải pháp mạnh mẽ nhất để hạn chế tình trạng gây rối trên khán đài, nhiều hooligan đã bị cấm đến sân bóng suốt đời. Riêng các sân bóng ở Đức và một vài nước hiện nay vẫn còn sử dụng hàng rào lưới để ngăn cách khán đài với sân bóng.

Ngoài việc đả kích, đánh nhau vì mâu thuẫn trong việc ủng hộ đội nhà, cũng có trường hợp khán giả bị kích động bởi những vấn đề liên quan đến sắc tộc, tôn giáo, nhưng điều này ngày càng bị lên án, bài trừ từ cộng đồng nên hiếm hoi lắm mới xảy ra, và cũng chỉ xuất hiện ở một vài cá nhân đơn lẻ. Đây được xem là hành vi đáng lên án nhất và bị xử lý mạnh mẽ nhất, không để thể thao trở thành nơi lợi dụng cho vấn đề sắc tộc. Thế nhưng, chưa từng nghe nói đến hành vi quấy rối bằng cách đồng thanh có lời lẽ thô tục nhắm vào đối phương, hay nói đúng hơn là những màn “chửi tập thể” được hô vang trên khán đài. Vậy mà nó lại đã xảy ra ở V-League mùa này, nơi mà mọi người đang cố gắng xây dựng một giải đấu chất lượng và chuyên nghiệp hơn.

Khán giả Việt Nam hầu hết đều là những người yêu bóng đá đích thực. Tình yêu bóng đá ấy thể hiện qua rất nhiều lần tràn ra đường cổ vũ, ăn mừng đội tuyển thi đấu thành công. Hình ảnh cờ Tổ quốc luôn xuất hiện trên trán, áo, nón, tràn ngập trên khán đài hừng hực là điều khiến người hâm mộ các nước phải thán phục. Trước sau và mãi mãi đó là hình ảnh chân thực nhất của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, đã xuất hiện số ít những người thiếu ý thức, có hành vi không đẹp trên khán đài. Họ lợi dụng những thiếu sót rất nhỏ của ban tổ chức, của trọng tài, hay có khi lợi dụng một điều gì đó rất mơ hồ để gây rối. Và khi mà chưa có sự kiểm soát và giải pháp ngăn chặn kịp thời, hành vi kém văn hóa lại được đẩy mạnh hơn. Sự la ó, chửi tục trước kia chỉ là một vài cá nhân, giờ đã được đẩy thành “đồng ca”.

Điều đó là quá nguy cho một nền bóng đá, mặc dù chỉ xuất hiện ở một số ít người thiếu ý thức. Rất đáng ghi nhận khi Ban kỷ luật VFF nhận thấy điều này và có kiến nghị về sự phối hợp ngăn chặn của chính quyền địa phương. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ. Một mặt, VFF và các bộ phận liên quan nhanh chóng giải quyết những tồn tại không đáng có trong bộ máy, cũng như các giải đấu để khán giả đủ tin tưởng và đến sân với niềm đam mê thật sự; nhưng mặt khác cũng phải xử lý cương quyết, mạnh mẽ những sai phạm từ khán giả. “Dĩ hòa vi quý” là một trong cách ứng xử giết chết bao đam mê sáng tạo, và cũng sản sinh ra rất nhiều tiêu cực, mà chúng ta đã thấy rõ nhất ở V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Đừng để một lúc nào đó khán đài không còn là nơi dành cho những người hâm mộ chân chính.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục