1. Lại một lần nữa, vị trí Giám đốc kỹ thuật của VFF lại được bàn đến và đa số ý kiến đóng góp đều cho rằng đây là vị trí mà VFF phải có ngay lập tức.
Tuy nhiên, cũng ít thấy ai đặt câu hỏi ngược: Tại sao từ trước đến nay VFF không hề có GĐKT mặc dù rõ ràng là họ không thể không biết sự cần thiết của vị trí này. Thậm chí, trong thời gian được LĐBĐ Đức hỗ trợ, đã có ông Rainer Willfeld được cử sang đảm nhiệm chức danh này dù về bản chất công việc của ông này thì không đúng với vị trí ấy cho lắm.
Vì lẽ đó, không nên tranh luận về việc GĐKT có cần thiết hay không mà phải thắc mắc là bóng đá Việt Nam vì sao chưa cần GĐKT?
2. Chúng ta cần ông GĐKT để làm gì? Vạch ra đường lối chuyên môn, xác định cách chơi mang tính xuyên suốt, lên kế hoạch thi đấu cho các đội tuyển quốc gia? Tham gia vào việc quyết định chiếc ghế HLV trưởng các đội tuyển, lãnh đạo bộ phận chuyên môn hỗ trợ và tư vấn cho các CLB trong quá trình thi đấu.
Cứ cho là chúng ta sẽ có một GĐKT giỏi đến mức làm tốt chừng đó việc, nhưng câu hỏi kế tiếp: vạch ra rồi thì ai làm?
Ví dụ như quy chế bóng đá chuyên nghiệp có yêu cầu các CLB dự V-League phải tham gia 4/5 giải đấu trẻ quốc gia. Ấy thế nhưng, ngay tại giải U.21, nơi tiệm cận với đội 1, trong số 20 đội tham gia vòng loại U.21 năm nay chỉ có 13 đội đến từ các CLB V-League và hạng Nhất. Quy định về mặt pháp lý là như vậy, thực tế cần thiết là như vậy, nhưng các CLB vẫn không thể đáp ứng nhưng không bị sao cả. Thế thì những kế hoạch của ông GĐKT có khả thi đến mấy thì cũng chịu.
Ông Rainer Willfeld (trái) từng là Giám đốc kỹ thuật cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: T.L
Rồi như chuyện chọn HLV trưởng của đội tuyển. Tiền bạc thì không nhiều, gặp HLV giỏi thì lương cao, người vừa túi tiền thì trình độ chưa chắc đã hơn HLV Việt Nam. Muốn tìm được HLV phù hợp với bản sắc đã được GĐKT xây dựng trước thì chính bóng đá Việt Nam phải tự đi tìm HLV chứ không thể đợi người ta ứng cử. Vậy thì liệu có đủ tài chính để trả cho người ưng ý hay không? Đấy là chưa nói, hiện bóng đá Việt Nam đã phải sử dụng 1 HLV cho 2 đội tuyển trong khi trên lý thuyết, đội U.23 khác hẳn với đội tuyển quốc gia về tính chất thi đấu, khổ nỗi chúng ta không đủ tiền để thuê 2 HLV “xịn” cùng lúc.
3. Một chuyện tế nhị: Liệu VFF có đủ tiền để trả thêm cho ông GĐKT và những cộng sự của mình hay không?
Nếu có khoản tiền 383 tỷ đồng/năm như dự kiến thì chuyện này giải quyết rất đơn giản, tuy nhiên trên thực tế, VFF không thể nào “bói” ra số tiền đó khi mà 2 nguồn thu chính là V-League và đội tuyển đều đang “khoán” cho các đơn vị khác, VFF chỉ nhận phần tiền “cứng” hàng năm tối đa cũng chỉ 30 tỷ đồng. Lẽ ra VFF còn có một nguồn thu rất lớn khác đó là bản quyền truyền hình trận đấu của các đội tuyển nhưng dường như VFF chưa tính hoặc không đủ khả năng tổ chức khai thác lĩnh vực kinh doanh này.
VFF càng không có tiền để tổ chức cho đội tuyển quốc gia ít nhất 10 trận giao hữu mỗi năm và phân nửa số đó cho các đội từ U.19 đến U.23. Và đã không làm được điều này thì liệu có cần thiết chức danh GĐKT nữa không khi mà các kế hoạch về chuyên môn đều không thể thực hiện được bởi cái khó khăn về tài chính của VFF.
HỒ VIỆT