4 năm trước, bóng đá Việt Nam lần đầu tiên đăng quang AFF Cup tại sân nhà Mỹ Đình. Thời điểm đó, tuyển Việt Nam đã trình diễn lối đá cuốn hút bằng sức mạnh tập thể, sự khéo léo của cầu thủ qua bàn tay nhào nặn của phù thủy Calisto. Ai cũng nghĩ, chiếc AFF Cup 2008 sẽ đưa bóng đá Việt Nam lên tầm cao hơn. Nhưng ngay lúc ấy, ông Calisto đã cảnh báo những người làm bóng đá đừng ngủ quên trên chiến thắng, hãy xem đây là điều kiện và cơ hội xây dựng một nền bóng đá có chiều sâu.
4 năm sau AFF Cup 2008, chúng ta vừa bốc thăm chia bảng AFF Cup 2012. Khác với khí thế tự tin lúc ấy, giờ đây người ta thấy lo lắng và đặt ra nhiều giả thuyết Việt Nam phải đụng đội này hay đội kia mới có khả năng đi xa hơn. Trên thực tế, bên cạnh Thái Lan dù có trầy trật trong nhiều mùa bóng qua nhưng vẫn giữ được cái tầm của khu vực, các đội tuyển như Malaysia, Indonesia, Philippines đều có sự đầu tư kỹ lưỡng và tiến những bước vững chắc qua từng mùa giải.
Người hâm mộ giờ đây thậm chí không còn tin tuyển Việt Nam sẽ có những trận đấu coi được ở AFF Cup. Sau bao nhiêu năm, khi ông Riedl cảnh báo: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc” đến nay, qua bao nhiêu cuộc giải phẫu, thử nghiệm, vận dụng… dường như mất nhiều hơn được. Nhiều người cắc cớ rằng đem đội tuyển hiện nay ra đấu với đội tuyển thời Riedl chưa chắc nhỉnh hơn, chứ đừng nói có thể “làm một trận” ngang ngửa với đội tuyển thời Calisto. So sánh này có thể khập khiễng nhưng thật đáng lưu tâm nếu xét dước góc độ quy hoạch phát triển nền bóng đá.
Ngay sau khi Tây Ban Nha bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu, một quan chức bóng đá Việt Nam đã vui mừng cho rằng: “Tây Ban Nha chỉ ra cho bóng đá Việt Nam một hướng đi”. Còn một huấn luyện viên có uy tín đã không kiềm được phấn khích: “Tây Ban Nha gần với cầu thủ Việt Nam nhất”. Nếu những lời nhận định này có chiều sâu chuyên môn và thật sự là mong muốn của những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam, có thể lên kế hoạch và định hướng bóng đá Việt Nam theo một hướng đi xuyên suốt thì là một may mắn. Đằng này, bóng đá Việt Nam với căn bệnh nói một đàng làm một nẻo, giờ cũng có khi nói một đàng mà… không làm nẻo nào, khiến niềm tin trong người hâm mộ đã giảm đi quá nhiều.
Nếu biết tôn trọng thành quả của quá khứ, có lộ trình chuẩn và thực hiện lộ trình đó một cách xuyên suốt, bây giờ người hâm mộ không phải chứng kiến những đội tuyển quá xa lạ nhau. Tuyển quốc gia sau thời Goetz có hơi hướng phòng ngự kiểu Đức, đã cố gắng tái lập lối đá kỹ thuật, tấn công của Calisto khi HLV Phan Thanh Hùng lên nắm đội. Trong khi đó, tuyển U.22 lại có một lối đá khác, U.19 lại càng khác xa hơn khi chọn phong cách đá chém đinh chặt sắt… Điều này thật khó hiểu với các nền bóng đá phát triển khác nhưng ở ta thì thật dễ hiểu, bởi tư duy mạnh ai nấy làm, dẫn tới… mạnh ai nấy đá.
Vậy, chờ đợi gì ở AFF Cup 2012? Đương nhiên là chờ đợi một chiến thắng thuyết phục, đẹp mắt. Nhưng nếu không được vậy, người hâm mộ cũng muốn bóng đá Việt Nam có được một bài học sâu sắc, đau đớn mới mong từ đó, người ta thật sự bắt tay xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp, có chiều sâu.
DƯƠNG NGỮ YÊN